Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố các nghị quyết liên quan đến thay đổi nhân sự cấp cao tại nhà băng này. Theo đó, HĐQT Eximbank bầu ông Cao Xuân Ninh vào vị trí chủ tịch sau khi chấp thuận việc từ nhiệm chức vụ này của ông Lê Minh Quốc.
Chỉ trước đó 2 tháng, hôm 22/3, Eximbank cũng đã bất ngờ thay đổi chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 với một gương mặt mới tinh - bà Lương Thị Cẩm Tú (1980) đến từ Ngân hàng NamABank của cố doanh nhân Tư Hường, thay cho ông Lê Minh Quốc.
Bà Tú trước là TGĐ Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Và vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại đại hội cổ đông của nhà băng này.
Tuy nhiên, chủ tịch bị bãi miễn Lê Minh Quốc sau đó đã đòi lại ghế nóng quyền lực. Eximbank đã có nghị quyết hủy bỏ Nghị quyết 112 ban hành hôm 22/3 về việc bãi nhiệm ông Lê Minh Quốc và bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú vào vị trí chủ tịch Eximbank.
Ông Quốc đã có đơn gửi Tòa án TP.HCM yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi tiến hành khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp thành viên công ty với các thành viên HĐQT khác. Tòa án sau đó áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Ngân hàng Eximbank phải tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết bãi nhiệm bất thường.
Ông Cao Xuân Ninh được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho ông Lê Minh Quốc. |
Eximbank dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên lần 2 vào ngày 26/5 sau khi không thể thực hiện vào ngày 26/4.
Ông Cao Xuân Ninh (1962) từng tham gia HĐQT Eximbank giai đoạn 12/2015 đến tháng 4/2016. Ông Ninh có thời gian làm việc tại Vietcombank và từng đảm nhiệm vị trí Trưởng văn phòng đại diện NHNN tại TP.HCM.
Cũng theo nghị quyết mới, ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó TGĐ thường trực được bổ nhiệm làm quyền TGĐ Eximbank. Ông Vinh sinh năm 1974, từng là phó TGĐ Techcombank, TGĐ SeaBank.
Trước ĐHĐCĐ lần 1 ngày 26/4, vị trí TGĐ bị bỏ trống.
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm nay. Nhân sự cao cấp là một vấn đề được quan tâm nhiều nhất và cũng là câu chuyện lùm xùm đầy bí ẩn tại ngân hàng một thời đình đám tại Việt Nam, với thương vụ thâu tóm ngân hàng Sacombank hồi năm 2011-2012.
Eximbank thời hậu cựu chủ tịch Lê Hùng Dũng vẫn đang gặp sóng gió, dàn lãnh đạo thay đổi thường xuyên, kinh doanh tiếp tục đi xuống và ngân hàng gặp nhiều tai tiếng. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank bắt đầu từ năm 2015, ở vào thời điểm khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Nam Á (NamABank) được xem là yếu tố khiến ngân hàng này chưa được ổn định.
3 chủ tịch trong 2 tháng qua. |
Câu chuyên tranh giành ghế vào HĐQT Eximbank thực sự lan rộng sau khi ĐHCĐ năm 2016 bất thành. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank lún vào khó khăn, với tài sản tụt giảm và lợi nhuận lao dốc, thậm chí bị lỗ và cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp.
Cũng theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, ngân hàng cho biết đã thành lập riêng một Ban chỉ đạo nhằm khẩn trương xử lý các kiến nghị của Thanh tra, trong đó có vấn đề chi thừa thù lao cho HĐQT, BKS hơn 80 tỷ trong giai đoạn 2013-2015 mà Eximbank mới chỉ thu hồi được 20 tỷ.
Trong năm 2018, sự cố tiền gửi “bốc hơi” khiến lợi nhuận của Eximbank điều chỉnh giảm 52%.
Bà Chu Thị Bình (Thủy sản Minh Phú) là khách hàng bị bốc hơi 245 tỷ đồng hiện vẫn kháng cáo cầu tất toán 103 tỷ đồng lãi suất phát sinh cho 245 tỷ đồng mà TAND TPHCM tuyên trong án sơ thẩm.
Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong vài năm gần đây vẫn tiếp tục quá trình tái cấu trúc với rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm, mâu thuẫn nhóm cổ đông,,, đang được giải quyết. Các vị trí nhân sự chủ chốt cũng liên tục thay đổi tại nhiều ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) hồi đầu tháng 5 cũng vừa thay vị trí TGĐ. Ông Phạm Thế Hiệp (1969) lên làm Quyền Tổng giám đốc NCB sau khi ông Lê Hồng Phương từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Cuối 2018, ông Phan Đức Tú và ông Lê Đức Thọ nhậm chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV và Vietinbank, trước khi tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu của NHNN.
Ông Phan Đức Tú (1964) được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT BIDV sau khi vị trí đã bỏ trống hơn 2 năm từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu.
Tại AnBinhBank cũng trong quý 4/2018, bà Dương Thị Mai Hoa rời ghế CEO ABBank và thay vào đó là “người cũ” Phạm Duy Hiếu. Trong 3 năm trước đó, ABBank đã có 3 lần thay CEO. Bà Mai Hoa sau sang làm phó chủ tịch Bamboo Airways.
Mặc dù còn đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn trong cơ cấu nguồn thu cho tới vấn đề nhân sự, nhưng nhiều ngân hàng Việt Nam khoảng 2 năm gần đây khởi sắc với lợi nhuận tăng vọt. Trong quý 1, Ngân hàng Vietcombank thậm chí còn giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trên TTCK với gần 6 ngàn tỷ đồng, lượt cả các ông lớn như PV GAS và VinHomes. 8 ngân hàng lớn có tổng lợi nhuận quý 1 khoảng 1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến tích cực với những gương mặt như Vietinbank,, BIDV, MBBank, ACB, VPBank,... Nhiều cổ phiếu blue-chips khác cũng tăng điểm như Petrolimex, Thế Giới Di Động.
Tuy nhiên, áp lực bán về cuối phiên và nhiều cổ phiếu khác giảm đã kéo VN-Index đi xuống phiên thứ 2 liên tiếp.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, thị trường tiếp tục đuối sức khi nỗ lực vượt lên vùng 990 điểm. Mặc dù có sự hỗ trợ của các cổ phiếu Ngân hàng nhưng áp lực bán khiến nhiều cổ phiếu khác giảm điểm. Chỉ số VN-Index có xu hướng sẽ điều chỉnh về vùng 975-980 điểm trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/5, VN-Index giảm 2,51 điểm xuống 983,78 điểm; HNX-Index giảm 0,15 điểm xuống 106,13 điểm và Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 55,39 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 4,5 ngàn tỷ đồng
H. Tú