Những năm qua, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong cả nước trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn tầm cỡ khu vực để phục vụ người dân và trẻ em, như: Cung Văn hóa thanh thiếu nhi Quảng Ninh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh... Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi cho trẻ em do Nhà nước quản lý.

Hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh, chú trọng việc phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phòng chống tai nạn, thương tích.

Để giảm thiểu tác hại đối với trẻ em, các địa phương, ban, ngành trong tỉnh cũng xây dựng các câu lạc bộ, mô hình, tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện các quyền trẻ em, xử lý những tình huống liên quan đến quyền trẻ em, những trường hợp xâm hại trẻ em. Nhiều lớp kỹ năng sống được tổ chức, trong đó chú trọng lồng ghép các nội dung về kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.

Các cấp bộ đoàn, hội, đội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động, mô hình, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp hè.

Năm 2023, nội dung phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn quán triệt tới tất cả các cơ sở đoàn, hội, đội trong triển khai các hoạt động hè. Mỗi đơn vị xã, phường, thị trấn thành lập tối thiểu 1 đội hình thanh niên xung kích, phản ứng nhanh, tham gia hỗ trợ công tác tuyên truyền và xử lý các tình huống tai nạn thương tích, đuối nước trong thanh thiếu nhi.

Cùng đó, thực hiện gắn biển cảnh báo, làm rào chắn tại sông, suối và khu vực nguy hiểm; tổ chức các lớp tập huấn công tác phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em, nâng cao công tác cứu hộ, cứu nạn cho gần 1.000 cán bộ phụ trách thiếu nhi, trẻ em trên địa bàn dân cư tại 13 đơn vị cấp huyện.

W-tre-em.png
Hàng nghìn trẻ em ở Quảng Ninh được dạy bơi miễn phí, hướng dẫn cách xử lý các tình huống dưới nước để đảm bảo an toàn. 

Toàn tỉnh tổ chức 138 lớp dạy bơi miễn phí cho hơn 4.000 thiếu nhi; 177 điểm sinh hoạt hè tại các thôn, khu dân cư với nội dung phong phú, phù hợp với từng độ tuổi; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích.

Cũng trong hè 2023, các chương trình trải nghiệm, trại hè, chương trình giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi cũng được các cấp đoàn đầu tư tổ chức, như: “Học kỳ quân đội”, “Học làm chiến sĩ công an”, “Hành trình đi để biết, học để sống”, “Kỳ hè phiêu lưu ký, học làm người nông dân”… nhằm trang bị kỹ năng an toàn, tự bảo vệ; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 300 lớp năng khiếu, câu lạc bộ sở thích, lớp kỹ năng sống thu hút được hàng nghìn thiếu nhi tham gia. 

Lãnh đạo Tỉnh đoàn Quảng Ninh đánh giá các cấp đoàn, đội trên toàn tỉnh đã có sự đổi mới cơ bản về quy mô, nội dung và hình thức các hoạt động hè theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Việc phối hợp với gia đình cũng như các đơn vị liên quan được đẩy mạnh, nhằm hướng các em thiếu nhi vào các hoạt động bổ ích, ý nghĩa, phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh phối hợp Tỉnh Đoàn triển khai và nhân rộng mô hình phòng chống tai nạn thương tích đến các xã trên địa bàn tỉnh. Thông qua các mô hình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ như: Mở lớp dạy bơi cho trẻ từ nguồn ngân sách hỗ trợ và nguồn xã hội hoá, mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”… đã  góp phần ngăn chặn sự gia tăng số trẻ bị tai nạn thương tích; ý thức bảo vệ trẻ em đối với các gia đình, trường học và cộng đồng được nâng cao.

Hồng Liên và nhóm PV, BTV