- Bị 2 đại biểu QH "đòi nợ" câu trả lời từ các kỳ họp trước, kể cả việc chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói ngay: Rất ít người nhận trách nhiệm, có nhận thì rất chung chung.

Sáng nay, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) 2 lần bấm nút để nhắc lại câu hỏi từng đặt cho Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh  từ cách đây 3 kỳ họp chưa được trả lời thỏa mãn, dù sáng nay ông Vinh không nằm trong danh sách chất vấn.

“Có bao nhiêu dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí, gây thiệt hại bao nhiêu nghìn tỷ đồng và giải pháp khắc phục làm sao. Tôi biết đây là vấn đề khó, chắc phải có thời gian để rà soát, tôi chờ hơn một năm nay không có trả lời gì?” - ông Đương nhắc Bộ trưởng Vinh - người nằm ngoài danh sách chất vấn dự kiến.

XEM 2 ĐB CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BÙI QUANG VINH:

ĐB Đương bộc bạch “cử tri nói với tôi rằng anh đến nghị trường cố gắng đem tiếng nói, tâm tư của cử tri vào nghị trường để chất vấn các bộ trưởng, những người có thẩm quyền về trách nhiệm của mình, cái gì tiếp thu được, cái gì phải đề ra giải pháp để khắc phục khuyết điểm. Tôi thấy đây là những đòi hỏi rất xác đáng”.

Ông kể, phiên họp tổ hôm qua (18/11) về dự luật Đầu tư công cũng không đề cập đến vấn đề trên để xây dựng các quy định cho phù hợp.

“Tôi thấy việc này rất quan trọng. Nhiều địa phương rất chủ động làm việc này, thu hồi các dự án bỏ hoang để trả lại đất cho người nông dân và họ rất vui mừng” - ĐB Đương nói và yêu cầu được nghe trả lời chất vấn từ Bộ trưởng KH-ĐT, người đã nợ ông trả lời câu hỏi 3 kỳ.

Được mời giải trình, Bộ trưởng KH-ĐT nhắc lại ông vẫn nhớ câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị Bộ thống kê có bao nhiêu dự án đầu tư bỏ hoang.

Ông hứa sẽ cho kiểm tra lại, "chúng tôi không được báo cáo một câu hỏi nào chưa trả lời, tôi sẽ rà soát lại câu hỏi này, nếu sót chỗ nào thì sẽ gửi”.

Trả lời tiếp đó, Bộ trưởng Vinh cho hay, nếu với các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước mà còn đang không có tiền để dàn trải thì có thể dễ thống kê.

Nhưng các dự án đầu tư bỏ hoang hóa theo cách hiểu của ĐB Đương (tức các dự án do các địa phương cấp phép cho các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài mà họ lại do một lý do suy thoái hoặc khó khăn nào đó mà chưa đầu tư) Bộ trưởng cam kết “sẽ phải hỏi lại, vì việc này thống kê do các địa phương”.  

Không hài lòng, ĐB Đương bấm nút: "Tôi khẳng định câu hỏi của tôi được thực hiện vào kỳ họp thứ 3, nguyên nghĩa thế này: Có bao nhiêu dự án đầu tư không hiệu quả, các công trình dự án đầu tư không hiệu quả và dự án đầu tư lãng phí không sử dụng được gây thiệt hại bao nhiêu nghìn tỷ đồng? Diễn ra chủ yếu ở đâu và trầm trọng nhất từ khi nào, kể từ 2000 đến nay? Ý ở đây không chỉ là các dự án do Bộ cấp phép mà với trách nhiệm quản lý nhà nước thì phải là tổng rà soát ở các địa phương nữa để đánh giá tình hình. Trên cơ sở đó mới có cơ sở thực tiễn để xây dựng luật Đầu tư công”.

Bộ trưởng Vinh đứng lên trả lời ngay: “Câu hỏi của anh Đương tôi trả lời lúc anh ra ngoài mất rồi, cho nên tôi tiếp thu về rà soát lại nhưng 2 câu này đều rất khó”.

Ông băn khoăn về tiêu chí đánh giá không hiệu quả và lãng phí và đề nghị: “Tôi sẽ gửi cho các đoàn ĐBQH và UBND các tỉnh, các bộ để các đồng chí chỉ cho tôi công trình nào không hiệu quả, lãng phí. Một vài công trình dở dang bỏ hẳn thì mình dễ nhìn. Còn lại nói là không hiệu quả và lãng phí thì quả thật cũng hơi khó đánh giá tiêu chí này và nó ở đâu? bao nhiêu nghìn tỷ thất thoát cũng là con số khó”. 

Tiền thuế của dân

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng nhắm Bộ trưởng KH-ĐT để hỏi về những chất vấn từ kỳ họp thứ 4 chưa được trả lời liên quan nợ đọng xây dựng cơ bản.

“Chúng ta gọi là ngân sách nhà nước nhưng thực tế nó là tiền thuế của dân” - ĐB quả quyết.

ĐB đặt lại câu hỏi cho Bộ trưởng: “Tại kỳ họp này, QH đã thông qua nghị quyết về ngân sách nhà nước trong đó yêu cầu phải dành vốn đầu tư để ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản. Đây được xem như một giải pháp để giải quyết khó khăn cho DN. 

Về trách nhiệm tài chính và giải pháp kinh tế thì đây là một yêu cầu hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên xét ở góc độ luật Ngân sách và trách nhiệm quản lý của cá nhân, của cơ quan liên quan thì chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Liệu vấn đề trách nhiệm đã bị khỏa lấp nhờ vào các áp lực giải nguy cho nền kinh tế? Liệu có gì khuất tất trong rà soát đánh giá, xác định nguyên nhân của vấn đề, và tình trạng này có tiếp tục tái diễn hay không?”.

Bộ trưởng Vinh có phần giải trình dài, phân loại nợ trong kế hoạch nhà nước và nợ ở địa phương. Trong đó đề cập những con số nợ dẫn theo báo cáo, hiện chỉ còn có khoảng 42.000 tỷ, trách nhiệm tham mưu của Bộ cũng như chế tài sử dụng ngân sách không nghiêm.

Tuy nhiên, ĐB Tâm bấm nút phát biểu “cảm ơn Bộ trưởng giải thích phần đặt vấn đề” do ĐB này đưa ra trong câu hỏi nhưng điều ĐB muốn biết, đó là trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân liên quan trong việc ra quyết định đầu tư hoặc các chủ trương đầu tư để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng mà hậu quả bây giờ phải giải quyết.

“Nguyên nhân đó chúng ta tính hay chưa và xử lý như thế nào để khắc phục được tình hình, cũng là để khẳng định kỷ luật, kỷ cương ngân sách chúng ta nói rất nhiều nhưng không được chấp hành nghiêm" - ông Tâm muốn Bộ trưởng cho ý kiến.

Trước câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng khẳng định đã gửi văn bản thống kê vốn nợ đọng xây dựng cơ bản đến ĐBQH.

“Tôi sẽ kiểm tra lại là không hiểu đến tay chỗ anh Tâm chưa? Chúng tôi sẽ gửi lại anh một bản, nhưng chắc chắn đã phát cho QH rồi”.

Đề cập trách nhiệm, Bộ trưởng cho hay: “Tôi chỉ muốn nói rằng giám sát tối cao về trái phiếu Chính phủ từ năm 2006 đến 2010 vừa qua, suốt kỳ họp thứ 5 chúng ta thảo luận rất sôi nổi.

Hôm nay tiếp thu ý kiến và chấp hành nghị quyết QH, chúng tôi là cơ quan được giao tổng hợp kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành về việc quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ chưa hiệu quả, chúng tôi đã có một tài liệu gửi đến các ĐB ngay đầu kỳ họp này.

Chúng tôi có kẹp vào trong đó báo cáo kiểm điểm của các địa phương và các bộ. Các ĐB cũng thấy rằng cũng rất ít người nhận trách nhiệm, có nhận thì rất chung chung, rất khó chỉ ra địa chỉ cụ thể, chúng tôi nghĩ rằng đánh giá của Thường vụ QH về lãng phí thất thoát, trách nhiệm tương đối rõ...

Bây giờ nói chung cho tất cả các nợ đọng này thì rất nhiều lý do. Chúng ta đã quyết định các công trình mà không căn cứ vào nguồn lực, việc này có ở cả cấp trung ương, cấp địa phương, các bộ cũng có một số vấn đề như vậy, các địa phương rất nhiều”.

C.Hoàng - M.Thăng - H.Nhì - Đ.Yên - B.Tuấn - Nguồn clip: VTV