Đòi nợ thuê và các hệ lụy của nó chúng ta đều thấy rõ qua vụ việc nhân viên Công ty Hưng Thịnh bị người nợ đánh trọng thương vừa qua tại Quảng Ninh. Người nợ trong vụ việc này vừa bị bắt khẩn cấp do hành hung người khác.

Vụ việc này cũng gây rất nhiều tranh cãi ở hai khía cạnh: nợ thì phải trả và một luồng ý kiến thì phản đối việc sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê mà theo họ cơ bản là dùng vũ lực trấn áp người bị nợ.

Đây không phải là hiện tượng cá biệt, trái lại trong xã hội, hiện trạng này có lẽ không giảm mà còn gia tăng.

Để quý vị và các bạn có cái nhìn đa diện về việc đòi nợ thuê, chúng tôi mời đến trường quay trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) để trao đổi về câu chuyện này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU về đòi nợ thuê và vấn nạn của việc này: 

 

Nhà báo Lê Như Quỳnh:  Thưa trung tá, khi đã phải sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê, tức là đó đã là khoản nợ khó đòi, bên nợ về cơ bản là không hợp tác nên bên đòi nợ mới phải thuê dịch vụ đòi nợ thuê, nếu nhìn nhận rộng ra về hiện tượng này thời gian vừa qua, ông thấy nổi lên những vấn đề gì đáng lưu tâm?

Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU: Trong thời gian vừa qua, tình trạng đòi nợ thuê do các nhóm công ty,  các nhóm giang hồ xã hội đen thực hiện đang là vấn đề thời sự phức tạp, trở thành một chuyên đề công tác  đấu tranh của Bộ Công an trong năm 2019.

Đòi nợ thuê là hệ lụy sinh ra từ hoạt động tín dụng đen, cho vay tín dụng không chính thức cho người dùng hiện nay. Tín dụng đen có đặc trưng là cho vay với lãi suất cao. Khi cho vay với lãi suất cao, có thể dẫn đến hệ lụy người nợ không có khả năng thanh toán nợ đến hạn. Chính vì vậy sẽ phát sinh tranh chấp, xung đột giữa người vay và người đi vay.

Khi những khoản vay không thực hiện theo những thủ tục pháp lý, để giải quyết những khoản vay tín dụng đen, thường chủ nợ sử dụng các công cụ thể thực hiện hoạt động đòi nợ, đó là các tổ chức, nhóm, công ty đòi nợ thuê. Về bản chất, chúng ta phải hiểu giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân đòi nợ thuê không có quyền và nghĩa vụ tài chính gì với con nợ. Đây là nhóm trung gian thực hiện các yêu cầu của chủ nợ để nhận thù lao. Nhóm, công ty, cá nhận thực hiện nghĩa vụ đòi nợ thường hoạt động theo kiểu xã hội đen, sử dụng luật rừng, gây ra những áp lực với con nợ buộc con nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Từ đó phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp.

Nhà báo Lê Như Quỳnh: Đòi thợ thuê là dịch vụ được thưa nhận, theo ông vì sao những công ty hoạt động trong lĩnh vực này, ít nhất là những hình ảnh chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông lại đều sử dụng những nhân viên có hình thức dữ tợn, xăm trổ....mà ít thấy những người lịch sự, nhẹ nhàng để thuyết phục bên đang nợ?

Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU:  Để chủ nợ quyết định việc sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê, thì khoản nợ này đã là khó đòi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, có thể con nợ gặp khó khăn không trả được khoản nợ. Thứ hai, có thể con nợ có khả năng thanh toán nhưng không trả nợ, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Chủ nợ sau khi thực hiện tất cả các biện pháp hài hòa, con nợ vẫn không được trả dẫn đến sự bức xúc, người ta sẽ tìm đến các tổ chức trung gian, chính là các tổ chức đòi nợ thuê. Khi đã là nợ khó đòi, buộc nhóm trung gian đòi nợ thuê phải sử dụng các biện pháp không được pháp luật cho phép, thường là sử dụng những nhóm giải pháp sau

Thứ nhất, dùng vũ lực, thứ hai là đe dọa dùng vũ lực và t các thủ đoạn khác. Tất cả các nhóm biện pháp này đều nhằm mục tiêu gây áp lực tâm lý, tinh thần lên con nợ, buộc con nợ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Dùng vũ lực như đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc, đập phá đồ đạc...tóm lại là những hành vi gây ra sự sợ hãi cao độ. Có thể đe dọa bằng các biện pháp như nhắn tin, gọi điện hoặc thủ đoạn quen thuộc như mua vòng hoa, quan tài đến… gây ra áp lực với con nợ rằng không biết lúc nào tai họa xảy ra. Ngoài ra, còn có các thủ đoạn như tung tin, công khai việc gì đó con nợ muốn che giấu. Để làm được việc này, các nhóm đòi nợ thuê thường phải sử dụng các đối tượng có quá khứ tiền án tiền sự, có tên tuổi trong giới giang hồ, có hình thức, biểu hiện, cử chỉ, hành vi gây ra sự sợ hãi, đe nẹt, sử dụng luật rừng… Đây là những hành động chống lại con người, chống lại trật tự pháp luật nhưng vẫn tồn tại trong đời sống, dựa trên cơ sở sức mạnh của kẻ xấu.

 

{keywords}
Trung tá Đào Trung Hiếu: "Thuê giang hồ đòi nợ rất dễ gặp rủi ro về pháp lý vì  thường là hành vi của các đối tượng đòi nợ thuê trượt khỏi mong muốn, thỏa thuận ban đầu".

 

Nhà báo Lê Như Quỳnh: Theo ông, những cách thức phổ biến nhất mà các công ty đòi nợ thuê hiện đang áp dụng đối với con nợ là gì?

Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU: Như chúng tôi phân tích, hình thức phổ biến nhất là đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để đánh vào tâm lý, uy tín của con nợ. Hiện nay, chuyện tổ chức bắt giữ, đánh đập con nợ là những tình huống đến cuối cùng rồi.

Các đối tượng trong băng nhóm đòi nợ thuê cũng rất khôn ngoan. Chúng biết hành động như vậy có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó chúng thường sử dụng chính sách ‘trên miệng hồ chiến tranh’, tức là làm cho con nợ sợ hãi nhưng hành vi chưa đến mức bị xử lý hình sự. Chẳng hạn như rộ lên tình trạng đổ chất bẩn vào nhà, xịt sơn, khóa cổng, đi theo bám sát đối tượng con nợ, uy hiếp tinh thần người thân của con nợ. Đây là thủ đoạn được sử dụng rất nhiều. Thậm chí, có đối tượng vào ngồi lỳ trong nhà không làm gì cả, cũng không phải gây rối gì nhưng với những khuôn mặt như vậy ngồi trong nhà tạo nên tâm lý lo sợ.

Ngoài ra là hành động tung tin, các đối tượng đòi nợ thuê đến văn phòng của con nợ, đưa băng rôn, biểu ngữ yêu cầu   trả nợ… Vậy thì còn đối tác nào dám làm ăn nữa? Tức là rất nhiều thủ đoạn khác nhau để tạo áp lực tâm lý hoảng sợ cho con nợ.

Nhà báo Lê Như Quỳnh:  Đã sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê thì bản sẽ xảy ra hai trường hợp,
hoặc người bị thu nợ tấn công người của công ty đòi nợ như vụ việc ở Quảng ninh mà chúng ta đều thấy, ngược lại là bên thu nợ sẽ dọa dẫm, trấn áp, có những hành vi khác buộc bên nợ sợ hãi, phải trả...theo quy định của pháp luật hiện hành thì những hành vi này vi phạm, như vậy
rủi ro về mặt pháp lý cho rất lớn cả đôi bên, ông có thể phân tích sâu hơn về vấn đề này? 

Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU: Chúng ta phải thấy rằng có rất nhiều rủi ro liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê, thuê các nhóm xã hội đen, giang hồ đi đòi nợ thuê. Rủi ro pháp lý trước hết là khi gây áp lực nhưng con nợ không chấp hành hoặc con nợ cũng là kẻ có máu mặt, lập tức có thể xảy ra xung đột giữa hai nhóm.

Các đối tượng đòi nợ thuê đứng trước động cơ vụ lợi, phải đòi được khoản nợ này mới nhận được thù lao, nên sẽ gia tăng áp lực lên con nợ. Tuy nhiên, nếu con nợ là một đối tượng sẵn sàng đối kháng lại, lập tức sự việc trượt ra khỏi phạm vi đòi nợ mà trở thành xung đột giữa các băng nhóm với nhau, giữa các thế lực với nhau.

Thậm chí có sự việc đánh đập, giết chết con nợ.  Vụ Quảng Ninh vừa rồi là tương đối hy hữu. Con nợ xử lý người của chủ nợ. Đây không chỉ dừng lại ở câu chuyện phạm tội có ý gây thương tích mà còn có dấu hiệu chiếm đoạt tài soạn. Do đó, về khía cạnh pháp lý, có thể xem xét ở nhiều tội danh, và thể hiện sự đê hèn. Chúng tôi từng điều tra các vụ án con nợ giết chủ nợ. Đó là giết người vì động cơ đê hèn. Do đó, rủi ro pháp lý rất lớn với cả hai phía.

Ngoài ra, khi tội phạm xảy ra, chủ nợ rất dễ ở trạng thái đang đúng thành sai. Đành rằng anh có quyền được đòi nợ vì anh cho vay, con nợ không trả. Nhưng nếu sử dụng phương pháp sai rất dễ dẫn đến đúng thành sai, vì hành vi của các đối tượng đòi nợ thuê trượt khỏi mong muốn, thỏa thuận ban đầu. Đây là rủi ro pháp lý mà người có khoản nợ cần đòi phải tính toán đến.

Trong những năm vừa qua có nhiều người không sử dụng các công cụ pháp lý để đòi nợ. Họ hoàn toàn có thể khởi kiện dân sự, nhờ tòa án đòi các khoản nợ đến hạn. Tuy nhiên, họ thấy khả năng đòi nợ theo con đường chính thống không cao và mất thời gian. Do bức xúc tâm lý, họ tìm đến nhóm giang hồ để thuê đòi nợ cho mình. Có trường hợp chính chủ nợ bị nhóm giang hồ quay lại đòi nợ. Việc này rất phức tạp và hệ lụy của nhiều sự cố về an ninh trật sự sẽ xảy ra.

Nhà báo Lê Như Quỳnh:  Trở lại vụ việc tại Quảng Ninh, đại diện chính quyền có nói nếu như
Công ty thu nợ thông báo cho họ thì đã không xảy ra chuyện nhân viên của họ bị đánh trọng thương, nói vậy nhưng thực tế thì rất khó, bởi chính quyền lẫn cơ quan chức năng đều rất khó can thiêp hay xử lý với những trường hợp này vì ít nhất họ cũng không biết nợ nần thực tế ra
sao, ông nhìn nhận việc này thế nào?

Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU: Theo thông tin tôi nắm được, trước khi đến nhà con nợ, nhóm đòi nợ Công ty Hưng Thịnh đã qua công an xã để trình bày. Họ cũng có hợp đồng của họ. Dịch vụ đòi nợ là được phép tại Việt Nam. Vụ án xảy ra tại Hạ Long, họ đã thực hiện những việc cần làm, thông báo chính quyền sau đó xuống nhà con nợ. Ngay sau khi đến nhà con nợ, lại bị con nợ tấn công lại. Đây là một diễn biến ngoài dự liệu của bản thân nhóm thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê và cả chính quyền sở tại .

Theo chúng tôi, dịch vụ đòi nợ rất nhạy cảm, cần phải luật hóa với những điều kiện rất cụ thể, quy định ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ liên quan đến đối tượng đòi nợ và chính quyền địa phương khi mà tiếp nhận các thông tin. Chẳng hạn, khi công ty đòi nợ đến đề nghị trợ giúp của chính quyền địa phương để thực hiện những hợp đồng dịch vụ này, theo chúng tôi, vì tính chất nhạy cảm, diễn biến khó lường của sự việc, cần thiết phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương ở những cuộc đòi nợ này để việc đòi nợ diễn ra một cách hợp pháp.

Nhà báo Lê Như Quỳnh: Vâng, xin được cảm ơn trung tá Đào Trung Hiếu về những ý kiến trao đổi thắng thắn. Xin cảm ơn quý vị đã theo dõi và hẹn gặp lại!

Góc nhìn thẳng (thực hiện)