TSMC, công ty gia công chip quan trọng bậc nhất trong làng công nghệ, có thể chịu hình phạt từ Mỹ nếu không chịu chuyển gia công các sản phẩm quan trọng về Mỹ.
Theo Nikkei, quan chức chính phủ Mỹ liên tục gây sức ép cho công ty Đài Loan về việc chuyển giao công các con chip dùng trong thiết bị quân đội về Mỹ. Việc gây sức ép đến từ lo ngại phía Mỹ khi cho rằng Trung Quốc có thể can thiệp vào quá trình sản xuất.
Nhà sản xuất cứng đầu
Đây không phải lần đầu phía Mỹ yêu cầu TSMC chuyển những dây chuyền sản xuất quan trọng về Mỹ, và TSMC đã nhiều lần tìm cách tránh thực hiện yêu cầu này. Công ty Đài Loan sản xuất những con chip được dùng trên máy bay quân sự F-35 của Mỹ, đồng thời cũng là công ty gia công chính của Apple, Huawei cùng nhiều hãng công nghệ khác.
TSMC sẽ gặp sức ép lớn từ phía Mỹ, nhất là khi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Ảnh: Nikkei. |
Khi Mỹ và Trung Quốc vẫn đang cạnh tranh nhau về công nghệ và quân sự, vị thế quan trọng của TSMC gây khó cho chính họ. Nikkei cho biết lần này phía Mỹ yêu cầu rõ ràng về việc TSMC phải chuyển sản xuất các con chip quan trọng về Mỹ nếu không muốn bị trừng phạt.
Mỹ muốn những con chip dùng trong dự án quân đội phải được sản xuất trên đất họ vì các lo ngại về an ninh, và phía Mỹ sẽ không nhượng bộ.
Nikkei dẫn lời của một quan chức Đài Loan.
Các chuyên gia đánh giá sức ép đối với TSMC cho thấy chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu vẫn đang gặp nhiều vấn đề với các lo ngại an ninh từ Mỹ.
"Chính phủ Mỹ muốn những con chip dùng trong dự án quân đội phải được sản xuất trên đất họ vì các lo ngại về an ninh, và phía Mỹ sẽ không nhượng bộ", Nikkei dẫn phát biểu của một quan chức Đài Loan.
TSMC hiện chiếm 50% thị phần gia công chip. Ngoài những hãng công nghệ lớn như Huawei, Google, Qualcomm hay Intel, khách hàng của công ty này còn có Xilinx, công ty thiết kế chip cho máy bay F-35 và nhiều loại vệ tinh. Nhiều sản phẩm của hãng này xuất hiện trong các dự án tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ.
TSMC là công ty đi đầu về công nghệ gia công chip, chiếm 50% thị phần toàn cầu. Ảnh: TSMC. |
Chính phủ Mỹ luôn tỏ ra cảnh giác với các công nghệ từ Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần tới Đài Loan và trao đổi với TSMC về vấn đề trên. Tháng 12/2019, Ian Steff, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ đã tới Đài Loan lần thứ 3 trong năm, gặp gỡ nhà sáng lập Morris Chang và chủ tịch Mark Liu của TSMC.
"Chúng tôi biết rằng nhiều lãnh đạo công nghệ Mỹ và các quan chức chính phủ lo ngại về sự phụ thuộc của Mỹ đối với sản phẩm của TSMC, cũng như tình hình an ninh trong chuỗi cung ứng sản phẩm quốc phòng.
Đó là lý do phía Mỹ liên tục bày tỏ mong muốn TSMC sẽ đồng hành với họ và sản xuất chip ở nhiều khu vực khác, không giới hạn ở Đài Loan. Họ lo ngại những cơ sở hiện tại có thể gặp nguy cơ với phía Trung Quốc", Giám đốc học viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan Su Tze-yun nhận xét.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 hôm 11/1 với thắng lợi áp đảo trước đối thủ, sau chiến dịch tranh cử nhấn mạnh mối đe dọa đang tăng từ Trung Quốc.
'Thế giới càng hỗn loạn, TSMC càng trở nên quan trọng'
Những phát ngôn mới từ lãnh đạo Đài Loan và phía Trung Quốc khiến các quan chức Mỹ lo ngại. Từ 2019, Mỹ đã cảnh báo nhiều khách hàng của TSMC về các nguy cơ an ninh. Việc Huawei cũng là khách hàng của TSMC càng khiến tình hình thêm phức tạp.
Các nguồn tin trong ngành công nghệ cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng các biện pháp trừng phạt Huawei trong năm 2020. Vào tháng 5/2019, Mỹ đã đưa công ty Trung Quốc vào danh sách đen cấm giáo dịch công nghệ, và điều đó ảnh hưởng mạnh tới ngành hàng tiêu dùng của Huawei.
Nhà sáng lập Morris Chang cho rằng thế giới càng hỗn loạn, TSMC càng trở nên quan trọng. Ảnh: Nikkei. |
Cũng trong năm ngoái, Huawei đã yêu cầu TSMC sản xuất nhiều hơn tại nhà máy ở Nam Kinh. Nhà máy này chiếm khoảng 10% doanh thu của TSMC.
Theo WSJ, nhiều quan chức Mỹ muốn cấm bán tất cả các công nghệ Mỹ vào Trung Quốc, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay.
Thế giới càng trở nên hỗn loạn, TSMC lại càng trở thành một lãnh thổ quan trọng mà mọi thế lực địa chính trị muốn kiểm soát.
Nhà sáng lập TSMC Morris Chang.
"Trước kỳ bầu cử Tổng thống mới, TSMC sẽ phải sớm có biện pháp phản hồi yêu cầu từ các khách hàng Mỹ và sức ép từ phía chính phủ Mỹ, để đảm bảo những sản phẩm quan trọng sẽ không gặp nguy cơ về an ninh, hoặc tốt nhất là sản xuất ngay tại Mỹ", một nguồn tin chia sẻ.
TSMC cũng nhiều lần cho biết họ có thể xây dựng hoặc mua lại một nhà máy ở Mỹ để đáp ứng các yêu cầu. Tuy nhiên, công ty này cũng cảnh bảo rằng làm vậy có thể khiến chi phí tăng lên nhiều.
"Chúng tôi chưa bao giờ loại bỏ ý định mua hoặc xây một nhà máy bán dẫn ở Mỹ, nhưng hiện tại vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng", đại diện TSMC cho biết.
Đến nay, phần lớn nhà máy của TSMC vẫn được đặt ở Đài Loan.
"Thế giới càng trở nên hỗn loạn, TSMC lại càng trở thành một lãnh thổ quan trọng mà mọi thế lực địa chính trị muốn kiểm soát", ông Morris Chang, nhà sáng lập TSMC nhận định vào cuối năm 2019.