Tĩnh tâm lại, người lớn sẽ thấy không nên gửi gắm quá nhiều vào cái tên cho con trẻ. Nếu chỉ bằng cái tên mà thay đổi được bản chất sự vật, thay đổi được tâm tính con người, đạt được mong ước thì loài người chắc đã không cần phải lao tâm khổ tứ

Cách đặt tên vô cùng phong phú từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ tôn giáo này sang tôn giáo khác. Người viết không có tham vọng đi sâu vào mỗi cái tên chứa đựng điều gì hay mô tả những nghi lễ đặt tên phức tạp như lễ Sebooh ở Ai Cập, có từ thời các Pharaoh đến nay vẫn thịnh hành trong mọi gia đình bất kể Thiên chúa giáo hay Hồi giáo. Bài viết này chỉ điểm qua xem chuyện đặt tên trên thế gian này ra sao.

Trông người…

Ở châu Âu xưa , nếu bạn sống ở Vương quốc Anh thời Elizabeth thế kỉ 16-17, chắc chắn bạn sẽ được cha mẹ đặt tên trong một lễ ở nhà thờ. Một cái tên có thể được lựa chọn cẩn thận theo tên cha mẹ đỡ đầu uy tín trong xã hội hoặc giàu có. Thời đó, quỹ tên để chấp nhận được cũng không lớn. Loanh quanh cho nữ thì có tên Elizabeth, Anne, Alice, Mary còn tên cho nam như John, Thomas...

Ngày nay, khắp châu Âu, nơi chủ yếu theo Đạo Thiên chúa, ta vẫn thấy các buổi lễ đặt tên cho con, nhưng có nhiều cách chọn tên khác nhau. Người Hi Lạp theo Chính thống giáo (Orthodox) thường đặt tên con theo tên ông bà nội. Người Pháp chọn tên đệm cho đứa trẻ để nhớ đến ông bà tổ tiên, sử dụng luôn tên thường gọi của hai bà nội, ngoại đặt cho bé gái và tên của hai ông đặt cho bé trai. Người Tây Ban Nha, rất nặng về truyền thống, kiên định phong tục cho đến ngày nay: Con gái đầu lòng được lấy tên bà nội, trong khi con trai đầu lòng được đặt theo tên ông nội.

Nhiều nước châu Âu có truyền thống đặt tên con theo tên ông bà. Con trai có thể có theo tên cha với chữ “Jr” để chỉ đó là con, ví dụ Bush Jr. (ông Bush con). Con gái có thể mang tên mẹ, nhưng hiếm hơn. Khởi đầu, khi con người chưa ý thức về chuyện đặt tên, họ có thể đặt tên theo cảnh vật thiên nhiên, màu sắc, … như Sông (Rivière) ở Pháp, Bụi cây (Bush), Nâu (Brown) ở nước nói tiếng Anh .,

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Người Mĩ gốc Phi có lịch sử và văn hóa đặt tên độc đáo. Thời nô lệ, chủ nô đặt tên cho nô lệ bằng những cái tên không dùng cho người da trắng. Thay vào đó là những cái tên lấy từ thần thoại Hi Lạp hoặc tên giản lược có cùng gốc với tên da trắng nào đó. Mãi đến khi nội chiến nổ ra, người Mĩ gốc Phi mới có toàn quyền đặt tên con mình. Ngay lập tức, những cái tên bị cấm kị trước đây, như Moses, Abraham được dùng và những tên giản lược được viết đầy đủ.

Về châu Á, ta không thể không nhắc đến Ấn Độ, nơi cách đặt tên con khác nhau rất nhiều giữa các tôn giáo. Người theo Phật giáo tổ chức lễ đặt tên Namakarena khi đứa trẻ được ba tháng tuổi và được coi là biết nghe. Người mẹ viết tên con mình trên tàu lá chuối, rắc nắm gạo lên trên, rồi đặt đứa trẻ lên đó và thì thầm vào tai nó 03 lần tên của nó. Người theo Hindu có tập quán đặt tên con mình theo các vị hiền triết, thánh nhân, các bậc trí giả. Họ tin rằng mỗi lần gọi tên con là một lần nhớ đến các vị thần linh hay thánh nhân mà không sợ phạm húy như người Hoa hay người Việt.

Người Trung Quốc tin rằng tên gắn liền với vận mệnh người mang tên đó, nên họ rất cầu kì khi chọn tên cho con. Người Trung Quốc rất mê tín. Họ đặt cho nó một cái tên giả xấu xí gọi là “tên sữa”, như “đất” “phân” để làm ma quỷ nản lòng mà tránh xa đứa trẻ. Cái tên này sẽ đi theo đứa trẻ suốt thời thơ ấu. Họ không dám đặt tên cho đưa bé khi nó chưa ra đời. Để phân biệt thế hệ trên dưới trong một dòng họ, họ sử dụng tên đệm, một cách làm khá khoa học.

…. Ngẫm đến ta

Người Việt cũng có muôn vàn cách đặt tên con. Trong những năm tháng loạn lạc, điều kiện khai sinh khó khăn, con được đặt tên theo tên con Giáp, mùa, vụ trong năm, hay địa danh nơi tản cư: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, … Chiêm, Xuân, Hạ...

Người Việt có xu hướng đặt những cái tên mang nghĩa biểu trưng rất rõ thể hiện từ ước mong, cảm xúc, khái niệm … đến đạo đức, chứ không đơn giản như những nước theo Thiên chúa giáo.

Tên Việt đôi khi mang màu sắc thực dụng, từ phản ánh văn minh nông canh đến danh phận anh hùng khắc khổ “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”. Từ thực tế đời sống như vậy, người Việt chỉ biết gửi gắm ước mơ, khao khát vào tương lai – trong trường hợp này là vào những những cái tên. Đúng như một quy luật tự nhiên, người ta hay nói về cái người ta mong có. Người đặt tên con theo giá trị vật chất, như  “Tiền”, “Gạo”, “Lụa”.

Người đặt theo thời sự “Điện Biên”, “Quyết Tâm”, “Chiến Đấu”, “Công Nhân”, …Người ưa sức mạnh đặt tên con trai bằng những “Hùng”, “Cường”; tên con gái bằng như từ mềm mại, như Lan, Huệ, … Những người từng là học sinh lại đặt tên con theo vần nằm giữa bảng chữ cái, như “Nam”, “Minh”, … để khi thi cử không phải vội vã nếu ở vần đầu hay chờ dài cổ chưa đến lượt nếu ở vần cuối khi cả giám khảo lẫn thí sinh đều đã mệt mỏi.

Nhắc đến chuyện đặt tên con, người viết chợt nhớ đến một đề xuất ra luật đặt tên tại Hạ viện Nga, dự luật bị dư luận Nga coi là một trong “mười dự luật ngớ ngẩn nhất” năm 2014. May mắn là QH Việt Nam không thông qua đề xuất tương tự. Thiết nghĩ đặt tên con là chuyện riêng của mỗi gia đình. Những cái tên “kì cục” gây phản cảm sẽ dần tự đào thải. Thế mới có chuyện đổi tên để... đổi số.

Tĩnh tâm lại, người lớn sẽ thấy không nên gửi gắm quá nhiều vào cái tên cho con trẻ. Nếu chỉ bằng cái tên mà thay đổi được bản chất sự vật, thay đổi được tâm tính con người, đạt được mong ước thì loài người chắc đã không cần phải lao tâm khổ tứ ... Xấu hay đẹp mỗi người đều có một cái tên – dù là Trạch Văn Đoành hay Nguyễn Văn Tít Thò Lò. Bất luận đặt tên gì cho con, dù muốn gửi gắm điều gì trong đó hãy nghĩ sao cái tên ấy không gây phản cảm trong cộng đồng, không gây khó cho con khi giao tiếp sau này, nhưng vừa đảm bảo nhạc tính, dễ nghe, và dễ đọc.

Một anh cán bộ trẻ tâm sự về cách anh đặt tên con trong thế giới phẳng: “Ngoài những tiêu chí chung, tên con tôi phải dễ phát âm bằng tiếng nước ngoài.” Âu đó cũng là một nét rất mới. Cùng với thời Internet, những thư viện tên online cũng trở nên phong phú.

Xung quanh chuyện đặt tên cũng có nhiều chuyện vui lắm. Chuyện kể rằng một anh lính hành quân qua nhà tranh thủ rẽ về gặp vợ chốc lát rồi phải đi ngay. Sau này đứa con ra đời, chị nông dân mộc mạc đặt tên là thằng … Ba Lô để đánh dấu giây phút sự sống của nó hình thành khi anh chồng còn đeo nguyên cái ba-lô trên lưng chưa kịp tháo ra.

Con ai người ấy đặt tên. Câu nói ấy của cổ nhân đến nay vẫn đúng. Năm mới đang đến, chúc anh Ba Lô hiện đang ở đâu đó nhiều niềm vui. Ất Mùi đang đến, chúc tất cả những ai tên Mùi nhiều niềm vui và may mắn!

Nguyễn Phương