Cao Mã Pờ là một xã biên giới, cách trung tâm huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang trên 20 km. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã hiện nay vẫn còn trên 60%.

Dù gặp rất nhiều khó khăn song dựa vào lợi thế tự nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã biết khai thác tiềm năng, tập trung phát triển kinh tế và tiến tới giảm nghèo bền vững. Vì vây, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ngày càng đổi thay theo hướng tích cực.

Xã Cao Mã Pờ hôm nay đã mang một diện mạo mới. Những con đường bê tông mới trải dài đến từng hộ. Nhà văn hóa các thôn, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, sạch, đẹp. Hệ thống điện quốc gia về tới tận thôn phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đảm bảo nhu cầu lao động, sản xuất của người dân. 

Cuộc sống bà con dân tộc thiểu số ở Cao Mã Pờ đổi thay theo hướng tích cực.

Trước kia, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Do xã vùng biên xa xôi, xa trung tâm huyện nên hạn chế trong phát triển kinh tế, người dân không biết làm gì để tăng thêm thu nhập.

Từ khi xã được đầu tư điện, đường, trường, trạm, có đường giao thông đi lại thuận tiện thì đời sống của bà con đã dần khá lên. Các gia đình đã có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ, sửa sang lại nhà cửa khang trang hơn. 

Với kiến trúc đặc trưng của dân tộc Mông, người dân tại khu dân cư kiểu mẫu bắt đầu học cách làm du lịch cộng đồng. Nhiều đoàn du khách tìm đến tham quan, ngắm cảnh hoa đào tại xã và thưởng thức các món ăn đặc sản do người dân trong thôn làm ra. Qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Thành quả có được ngày hôm nay là do sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ hết lòng vì nhân dân của cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị đã định hướng, hỗ trợ bà con chuyển đổi phương thức canh tác, đưa những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, giúp nâng cao đời sống, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đảng bộ xã Cao Mã Pờ đã tập trung chỉ đạo, ban hành nghị quyết, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phân công, gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức xã trực tiếp phụ trách các thôn nỗ lực thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, tiêu chí giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh đó, để người dân tin và làm theo, mỗi đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, trưởng các chi hội, đoàn thể của thôn luôn tiên phong đi trước làm gương đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ trở thành mô hình điểm để đồng bào trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn xã đã trồng được trên 420 ha ngô; rau đậu các loại 62 ha; cây dong riềng 150 ha; cỏ chăn nuôi 198 ha; chè gần 52 ha; cây ăn quả lê, đào, mận gần 28 ha. Có 554 ha cây dược liệu gồm thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, ấu tẩu. Tổng đàn trâu, bò 1.100 con; đàn lợn 2.900 con; đàn gia cầm trên 16.000 con; đàn ong mật 350 tổ...

Anh Giàng Quáng Lìn, thôn Vàng Chá Phìn, xã Cao Mã Pờ là tấm gương điển hình trong phát triển cây dược liệu để phát triển kinh tế. Nhận thấy một số loài dược liệu ở tự nhiên đang dần cạn kiệt do khai thác quá mức nên anh đã cải tạo diện tích vườn quanh nhà và trồng một số giống dược liệu có giá trị kinh tế. Đến nay, hơn 80 cây chè rừng cùng một số loài dược liệu như ấu tẩu, tam thất hoặc cây thất diệp nhất chi hoa đã được anh bảo tồn và nhân rộng.

Cũng như gia đình anh Lìn, anh Hoàng Văn Rèn cùng ở thôn Vàng Chá Phìn đang tập trung phát triển cây tam thất, cây đào cảnh quan với diện tích hàng nghìn m2. Ngoài ra, anh đã đầu tư 3 dãy chuồng trại để phát triển chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi lứa, trong gia trại của anh lúc nào cũng dao động từ 40 đến 50 con lợn thịt. Nhờ mô hình kinh tế tổng hợp, đến nay gia đình anh đã thoát khỏi hộ nghèo, có điều kiện lo cho các con ăn học.  

Một trường hợp tiêu biểu của xã Cao Mã Pờ trong làm kinh tế, thoát nghèo là anh Tẩn Dâu Mìn. Anh Mìn là người dân tộc Dao, tốt nghiệp Trường Trung cấp kinh tế Hà Giang chuyên ngành trồng trọt năm 2007. 

Trải qua nhiều công việc, anh nuôi chí làm giầu với nghề mộc, chăn nuôi, trồng trọt. Từ những kiến thức học được, anh nhận thấy cây su su cho hiệu quả kinh tế cao nên đã đầu tư quy mô. Hàng năm, vườn su su mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Tẩn Dâu Mìn. Với chăn bò, nuôi lợn, trồng thảo quả và su su, anh ước tính mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. 

Được giải quyết cơ bản nhu cầu về giao thông, sản xuất, được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, người dân xã Cao Mã Pờ ngày càng chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tinh thần cảnh giác trước kẻ xấu và ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới được nâng cao rõ rệt. 

Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết đến với nhân dân.

Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tiếp tục vận động người dân trồng mới, chăm sóc diện tích dược liệu đã trồng, thu hoạch, chế biến các sản phẩm từ dược liệu.

Thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản, nuôi lợn đen địa phương.

Vận động đồng bào tích cực tham gia Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện các quy ước, hương ước, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, phòng, chống tệ nạn xã hội, tăng cường an ninh tự quản ở các thôn...

Văn Hùng và nhóm PV, BTV