Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nhắc lại quá trình đàm phán thông qua Hiệp định trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).

Khẳng định UNCLOS sau 30 năm vẫn là "ngọn đèn soi sáng" cho các hoạt động trên biển và đại dương, Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn mong muốn Đối thoại sẽ giúp các bên liên quan hiểu nhiều hơn về BBNJ và tìm được sự thấu hiểu chung giữa các nhà khoa học, luật gia để các nước Đông Nam Á có quá trình chuẩn bị, triển khai, đưa ra khuyến nghị mới để thúc đẩy hợp tác.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Đối thoại Biển lần thứ 13 bao gồm 4 phiên thảo luận. Trong đó, phần Hiệp định BBNJ: Những nội dung chính và triển vọng (phiên 1) tập trung trao đổi và làm rõ các nội dung cơ bản của Hiệp định, đồng thời thảo luận về cách thức Hiệp định được áp dụng phù hợp với các công cụ pháp lý hiện hành khác. Tiếp đó là các nội dung: Triển vọng mới về các quy định khai thác đáy biển sâu; Các cơ hội và thách thức cho việc tăng cường hợp tác tại khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia; Hợp tác trong khai thác và bảo tồn tại khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia: Các khuyến nghị về pháp lý và chính sách.

Sau gần hai thập kỷ thảo luận và đàm phán, Hiệp định BBNJ vừa được thông qua đã trở thành hiệp định thực thi thứ ba trong khuôn khổ UNCLOS. Hiệp định điều chỉnh các nhóm vấn đề quan trọng liên quan tới bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia như: Tài nguyên gen biển; các công cụ quản lý vùng (ABMT), bao gồm khu bảo tồn biển (MPA); đánh giá tác động môi trường; xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; cũng như vận hành các cơ quan và thể chế.