Sáng 31/12/2023, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Thông tin từ Hội nghị cho thấy, trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên đáp ứng yêu cầu phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế, cụ thể là việc hoàn thiện thể chế quản lý tổng hợp về biển và hải đảo, Bộ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, các địa phương ven biển đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, biển và hải đảo; triển khai thực hiện Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Tổng diện tích giao khu vực biển là 4.769,422 ha, trong đó: thẩm quyền Trung ương là 1.183,15 ha; thẩm quyền địa phương là 3.586,272 ha.
Bộ cũng đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, đã có 26/28 tỉnh, thành phố có biển đã phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển. Bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; Bạc Liêu và Kiên Giang. Các tỉnh chưa phê duyệt gồm: TP HCM và Cà Mau.
Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với các cơ quan thực hiện chức năng tổng hợp, theo dõi, quản lý đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 1280/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 Thủ tướng Chính phủ). Song song đó là thực hiện nhiệm vụ Văn phòng Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ trì nhiệm vụ, dự án rà soát, đề xuất điều chỉnh các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030…
Theo nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024, lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các đơn vị liên quan sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức Triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển, hành lang kinh tế ven biển, khai hoang, lấn biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.
Song song với các công việc trên là tổ chức, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 trên cơ sở kế hoạch tổng thể đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả của Chương trình. Xây dựng chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh. Khảo sát đánh giá tài nguyên biển ở một số khu vực trọng điểm, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi thu hút các nguồn vốn, công nghệ, để khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi, hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo, phát triển các ngành kinh tế biển…