Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người nghèo, cận nghèo là hoạt động được các địa phương triển khai, ngày càng thể hiện rõ sự thiết thực, hiệu quả.
Lắng nghe mong muốn của hộ nghèo
Các cuộc đối thoại với hộ nghèo tại Đà Nẵng không chỉ được cung cấp thông tin về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách đặc thù của thành phố về công tác giảm nghèo, đây còn là dịp để người nghèo, cận nghèo được chia sẻ về hoàn cảnh, khả năng, nguyện vọng… để có thêm động lực, nguồn lực vươn lên.
Trên toàn quận Thanh Khê hiện có 337 hộ nghèo còn sức lao động, mục tiêu đến cuối năm thoát 200/337 hộ nghèo. Ngay từ đầu năm, UBND quận chỉ đạo các phường tổ chức đối thoại với hộ nghèo để sớm tiến hành hỗ trợ.
Trong buổi đối thoại với hộ nghèo do UBND phường Thạc Gián (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tổ chức đầu tháng 3, ông Trần Hữu Tẩn (51 tuổi, trú tổ 17) chia sẻ căn nhà cấp 4 gia đình ông đang ở đã xuống cấp nặng, mùa hè nóng bức, mùa mưa dột ướt. Với công việc bán quần áo cũ, ông mong mỏi có được ngôi nhà mới kiên cố, ổn định để yên tâm làm ăn. Vì vậy, ông mong muốn được hỗ trợ xây nhà mới để an cư.
Còn bà Kỳ Thị Song (73 tuổi, trú tổ 3) lớn tuổi, thường xuyên đau ốm. Mong muốn lớn nhất của bà là được hỗ trợ xe máy để con trai chạy xe ôm công nghệ, có thu nhập lo cho gia đình.
Phường Thạc Gián nơi bà Song và ông Tẩn sinh sống hiện có 59 hộ nghèo, trong đó 38 hộ còn sức lao động. Qua đối thoại, 8 hộ cần hỗ trợ sinh kế, 2 hộ có nhu cầu vay vốn làm ăn, 1 hộ cần xây nhà mới và 11 hộ cần sửa chữa nhà.
Tại phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), buổi đối thoại dành cho hơn 160 hộ nghèo còn sức lao động cũng được triển khai cuối quý I. Buổi đối thoại được chia thành 3 tổ. Tại mỗi tổ, đại diện mỗi hộ nghèo trình bày những tiêu chí thiếu hụt của gia đình dẫn đến thu nhập thấp, rơi vào hộ nghèo và nhu cầu hỗ trợ sinh kế, phương tiện để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Qua đó, lãnh đạo phòng LĐ-TB&XH quận, lãnh đạo phường và các ban, ngành, đơn vị liên quan của phường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của từng hộ để làm căn cứ xây dựng các giải pháp hỗ trợ theo các tiêu chí thiếu hụt của từng hộ, như: hỗ trợ về nhà ở, công trình vệ sinh; chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội; hỗ trợ học bổng, phương tiện đồ dùng học tập; hỗ trợ sinh kế, vay vốn ưu đãi; hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm và các hỗ trợ khác phù hợp.
Điều này không chỉ giúp hộ nghèo thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo địa phương mà điều quan trọng là chất lượng sống của người dân được đảm bảo nhờ sự hỗ trợ phù hợp, thiết thực của chính quyền, cộng đồng.
Ngoài hỗ trợ trao sinh kế phù hợp nhu cầu từng gia đình nghèo, cận nghèo, chính quyền các cấp ở Đà Nẵng còn kết nối với chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thẩm định, cho vay vốn, tạo điều kiện cho hộ nghèo làm ăn, buôn bán để vươn lên.
Đưa thêm nhiều thông tin đến với người nghèo
Để chính sách giảm nghèo hiệu quả, điều quan trọng là các hình thức hỗ trợ phải đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa giá trị của sự hỗ trợ. Muốn đạt được điều đó, đối thoại với hộ nghèo để có thông tin là điều rất quan trọng nhằm thu thập dữ liệu. Đây cũng là kênh trực tiếp để đưa thêm nhiều thông tin chính sách đến với hộ nghèo một cách chính xác nhất.
Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) còn 2.697 hộ nghèo, tỷ lệ 5,3% và 2.639 hộ cận nghèo, tỷ lệ 5,2%. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, việc tiếp xúc, đối thoại với hộ nghèo để hỗ trợ phù hợp với từng hộ là giải pháp hữu hiệu.
Bà Đặng Thị Mành ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp là hộ nghèo của địa phương. Bà nói hoàn cảnh khó khăn, chữ nghĩa ít biết nên dù được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng bà vẫn chưa rõ hết. Tham gia đối thoại với hộ nghèo, bà được cán bộ chức năng thông tin rõ ràng về các chính sách giảm nghèo; bà còn được mọi người chia sẻ về các mô hình làm ăn hiệu quả, để có thể học hỏi, làm theo.
Để các cuộc đối thoại diễn ra hiệu quả, lãnh đạo phường lưu ý với các tổ dân phố, các hộ dân phải thống nhất nhu cầu của gia đình khi đi đối thoại, chủ động trao đổi với chính quyền địa phương về vấn đề chưa rõ, những khó khăn trong giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo đều mong muốn những buổi đối thoại sẽ được tiếp tục duy trì.
Bày tỏ ủng hộ phương thức triển khai Chương trình giảm nghèo hiệu quả này, lãnh đạo nhiều địa phương tại Phụng Hiệp cho rằng nếu người dân chỉ nghe tuyên truyền các văn bản sẽ khó nắm được hết chính sách, nhưng qua đối thoại trực tiếp, người dân nghèo sẽ hiểu rõ hơn, ý thức rõ hơn về vai trò tự lực, tự vươn lên của mình trong chương trình giảm nghèo bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.
Nhờ tiếp xúc, đối thoại, thực tế, nhận thức của người dân về thoát nghèo tăng lên. Đặc biệt, tại đối thoại nếu một người đứng lên tự nguyện đăng ký thoát nghèo thì sẽ lan tỏa đến nhiều người.