Thị trường tài chính đã phản ứng trái chiều trong ngày người dân Mỹ đi bầu ra vị tổng thống thứ 46 của mình.

Tăng giảm trái chiều

Trong phiên giao dịch ngày 3-11, có thời điểm giá vàng thế giới rớt xuống chỉ còn 1.883 USD/ounce, tương đương gần 53 triệu đồng/lượng. Nhưng sau đó, vào cuối ngày lại tăng lên 1.895 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thế giới chỉ còn 5 USD nữa là vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 1.900 USD/ounce để tăng tốc. Giới đầu tư đang có xu hướng tìm đến các loại tài sản an toàn như vàng trước thời điểm biết ai làm tổng thống Mỹ.

Trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng nhẹ vào cuối phiên thì giá vàng miếng tại thị trường trong nước lại tăng vọt, lên mốc gần 57 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới thấp hơn giá trong nước gần 4 triệu đồng/lượng.

Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới phản ánh độ rủi ro lớn cho người mua lẫn người bán vàng. Thực tế giá vàng trong nước có xu hướng phòng thủ trước biến động giá vàng thế giới nên đã gia tăng khoảng cách ngày càng lớn. Nói cách khác, nhà kinh doanh niêm yết giá vàng ở ngưỡng an toàn, tránh những phiên tăng giảm đột biến của thế giới nhằm giảm thiểu rủi ro.

Tương tự, giá dầu cũng giảm nhẹ vào thời điểm nước Mỹ đi bầu tổng thống. Đơn cử giá dầu Brent và giá dầu OPEC giảm gần 2%, lần lượt 38,84 USD/thùng và 36,50 USD/thùng.

Ngược lại, thị trường chứng khoán lại có phiên tăng điểm đầy hứng khởi. Các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong… đều tăng điểm nhẹ trên 1%. Còn tại Mỹ, chỉ số Dow Jones, S&P, FTSE 100 đều tăng gần 2%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong quỹ đạo chung khi chứng kiến dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu, đẩy chỉ số VN-Index vượt qua mốc 935 điểm.

Tuy nhiên, giá trị đồng tiền USD lại giảm so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Đồng USD mất 0,26% giá trị so với đồng euro, mất 0,17% so với bảng Anh và 0,15% so với yen Nhật. Trong khi đó, tiền đồng Việt Nam lên giá so với đồng USD sau một thời gian ngắn giảm nhẹ.

{keywords}
Giá vàng trong nước đang cao hơn gần 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới và dự báo sẽ biến động mạnh trong thời gian tới. Ảnh: T.LINH

Đối mặt với biến động

Giới phân tích nhận định giá vàng lúc này sẽ khó đoán định bởi dù cho bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc nhưng việc kiểm phiếu mất thời gian dài, nhất là các phiếu gửi từ bưu điện. Do vậy, kết quả ai là tổng thống sẽ chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều có chung nhận định giá vàng sẽ tăng trở lại khi đã xác định chính xác ông Trump hay ông Biden làm tổng thống. Bởi các nhân tố thúc đẩy giá vàng còn nguyên như cung tiền nhiều, lạm phát tăng, sự bất ổn định nền kinh tế vì dịch bệnh. Thậm chí, nếu ông Biden làm tổng thống Mỹ thứ 46, vàng còn tăng mạnh hơn vì ông sẽ đưa ra gói kích cầu tài chính để phục hồi nền kinh tế mạnh hơn ông Trump.

Song giới phân tích cũng cảnh báo giá vàng vẫn có thể đối mặt nguy cơ sụt giảm. Theo nghiên cứu của TD Securities, nếu chưa xác định ngay được kết quả cuộc bầu cử, giá kim loại quý này có khả năng giảm 4%. Nói cách khác, nếu kết quả cuộc bầu cử gây tranh cãi thì vàng có nguy cơ bị bán tháo vì các nhà đầu tư lo ngại gói cứu trợ tài khóa của Mỹ cũng sẽ bị ách tắc.

Với giá dầu, các chuyên gia dự đoán nếu ông Biden làm tổng thống Mỹ sẽ khiến bùng nổ sản lượng sản xuất dầu. Nguyên nhân, ông Trump áp đặt lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu mỏ Iran, trong khi ông Biden lại có xu hướng sẵn sàng đàm phán với Iran. Nếu nước này tuân theo các thỏa thuận về hạn chế hạt nhân đã được thực hiện trong thời Tổng thống Obama thì lệnh trừng phạt nghiêm khắc với xuất khẩu dầu mỏ Iran có thể sẽ được tháo gỡ.

Khi đó Iran có khả năng xuất khẩu 2 triệu thùng dầu/ngày. Đây là một nguồn cung lớn trong khi dịch COVID-19 vẫn đang khiến quá trình tiêu thụ dầu mỏ không lớn khiến giá dầu giảm mạnh.

Trong một góc nhìn khác, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá ông Trump đang kiểm soát dịch bệnh COVID-19 với thái độ cầm chừng. Nếu thắng cử, ông có khả năng tiếp tục quan điểm không giãn cách xã hội, duy trì chống dịch không quyết liệt. Điều này có thể khiến kinh tế bất ổn kéo dài. Trong khi đó, ông Biden có kế hoạch kiểm soát dịch bệnh tạo ra ổn định y tế, kinh tế, xã hội. Và nếu nền kinh tế Mỹ thịnh vượng và ổn định sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam thuận lợi hơn.

Chứng khoán, USD dự báo sẽ biến động khó lường

Báo cáo của các công ty chứng khoán nhận định bầu cử tổng thống Mỹ là một trong những sự kiện tác động khó lường, thậm chí khuấy đảo hoặc mang đến những cú sốc cho thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thậm chí cuộc bầu cử năm nay có thể tạo ra sự hỗn loạn nhiều hơn bình thường vì dịch bệnh khiến quá trình kiểm phiếu chậm trễ.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định nếu đảng Cộng hòa giành thắng lợi, thị trường sẽ có phản ứng ban đầu khá tích cực vì ông Trump thường lấy chứng khoán là thước đo hiệu quả của những chính sách ông đề ra. Ngược lại, kinh tế Mỹ có thể đối mặt xáo trộn lớn khi tổng thống mới nhậm chức.

Trong bối cảnh trên, các công ty chứng khoán cùng khuyến nghị nhà đầu tư nên giải ngân một phần tài khoản khi xuất hiện những nhịp điều chỉnh trong phiên; quản trị chặt rủi ro và dự phòng khả năng biến động bất lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Giới chuyên gia cũng dự đoán giá đồng USD về dài hạn vẫn khó lòng cải thiện dù ai đắc cử tổng thống Mỹ. Hiện chỉ số đồng đôla Mỹ vẫn thấp hơn 9% so với đỉnh điểm hồi tháng 3.

Áp lực có thể sẽ đè nặng thêm lên đồng đôla của Mỹ trong trường hợp ông Biden chiến thắng. Lý do ông Biden có thể sẽ mở cửa cho nhiều chính sách được xem là ảnh hưởng tiêu cực tới USD, như tung ra gói kích thích tài chính khủng. Diễn biến giá đồng USD cũng sẽ khó đoán nếu ông Trump tái đắc cử. 

(Theo Pháp luật TP.HCM)