UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành đã chủ động đề xuất, hướng dẫn, hỗ trợ, bố trí kinh phí đối ứng của địa phương, lồng ghép các chương trình, đề án… góp phần huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nguồn lực trong dân. 

Đồng thời, người dân cũng chủ động thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm, mô hình mẫu trong trồng trọt, chăn nuôi, chú trọng tạo đầu ra sản phẩm… góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, các cấp, các ngành và địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì tập trung củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí. 

Trong giai đoạn 2021-2025, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới ở Bình Định đã thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân. Trong đó phải kể đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ở một số địa phương. Nhờ đó, nông thôn Bình Định đã có nhiều khởi sắc, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

W-NTM Bình Định sản phẩm ocop IMG_2738.jpg
Tỉnh Bình Định hiện có 477 sản phẩm đạt hạng OCOP, trong đó có 435 sản phẩm OCOP 3 sao, chiếm tỷ lệ 91,19%.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 113 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có 91/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 80,5%); có 24/91 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 26,4%); 1/91 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 1,1%); có 6/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 54,5%). 

Trong năm 2024 đã tổ chức lễ công bố huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới; tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện Phù Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Hệ thống cơ sở hạ tầng của các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới được đầu tư đồng bộ, cải thiện đáng kể đời sống người dân. 

Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 94/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 83,2%); 36/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 38,3%); 4/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 4,3%); có 7 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 63,6%). 

Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, Bình Định đã đẩy mạnh triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 477 sản phẩm đạt hạng OCOP, trong đó có 435 sản phẩm OCOP 3 sao (chiếm tỷ lệ 91,19%), 42 sản phẩm OCOP 4 sao (chiếm tỷ lệ 8,81%).

Kế thừa những thành quả đã đạt được trong năm 2024, năm 2025, tỉnh tiếp tục đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xây dựng hoàn thành các tiêu chí còn lại ở các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2025, lập hồ sơ trình xét công nhận theo đúng quy định; đồng thời có giải pháp củng cố, duy trì các địa phương đã được công nhận. 

Phấn đấu trong năm 2025 Bình Định có thêm 3 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 37 số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; 60% số thôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, trong thời gian tới cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã trong điều hành, lãnh đạo.

Đối với các địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới cần phải xây dựng kế hoạch chi tiết gắn với từng lộ trình, tiến trình để triển khai, kèm theo việc cân đối, bố trí nguồn lực. 

Một trong những yếu tố góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả và thành công là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân thấy được mục đích, ý nghĩa và giá trị đem lại của công cuộc xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Về phía chính quyền địa phương, các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để sớm có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.