- Đờn ca tài tử không những tôn vinh các nghệ nhân, mà còn khẳng định được giá trị đẹp đẽ, cao quý của văn hóa, con người Nam bộ, hoàn thiện bộ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.


Hưởng ứng các hoạt động phục vụ việc lập hồ sơ quốc gia trình tổ chức UNESCO đề nghị vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Nhạc hội đờn ca tài tử TP.HCM 2011 đã diễn ra sôi nổi trong hai đêm 24 và 25/9 vừa qua tại khu du lịch Văn Thánh.
Tài tử ca khiếm thị Nguyễn Thị Kim Phóng đoạt huy chương vàng
Nhạc hội đã trao 4 huy chương vàng cho hạng mục giải thưởng cá nhân gồm: Phương Uyên (bài "Huyền Trân công chúa), Minh Đức (bài "Tôn Tẫn giả điên"); Nguyễn Thị Kim Phóng (bài "Tiếng đàn đêm mưa") và Lê Thị Phương Thảo (bài "Mộ chiến sĩ vô danh"). Ở hạng mục tập thể, giải nhất được trao cho Trung tâm văn hóa Quận 3.

Nhạc hội đờn ca tài tử do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM và Trung tâm văn hóa TP.HCM phối hợp tổ chức đã thu hút sự tham gia tranh tài của 40 tài tử ca và tài tử đờn tự do, 23 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử. Nhạc hội là cuộc tổng biểu dương lực lượng tài tử đờn, tài tử ca đang sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM thông qua các hoạt động biểu diễn thi tài, sinh hoạt chuyên đề, triển lãm.
Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh và Phượng Hằng tham gia trình diễn
Khoảng 5.000 lượt khán giả đã đến Văn Thánh thưởng thức tài nghệ của các nghệ sĩ, nghệ nhân. Một khán giả tên Vũ (42 tuổi) quê ở Cà Mau, đang sống tại Quận 1, TP.HCM cho biết: “Tôi thường xuyên nghe đờn ca tài tử, cải lương trên radio. Từ nhỏ tôi đã được nghe đờn ca tài tử rồi. Đờn ca tài tử là một hình thức giải trí lành mạnh. Theo tôi, đờn ca tài tử hay vì  lời ca dễ nhớ, âm điệu cuốn hút, đi sâu vào lòng người nghe”.

Đây là lần đầu tiên nhạc hội đờn ca tài tử diễn ra với quy mô lớn cả về hình thức lẫn nội dung. Thời gian qua đờn ca tài tử được tổ chức thường xuyên nhưng ở quy mô nhỏ, sự tác động về mặt tình cảm của công chúng đến với môn nghệ thuật đậm chất phương Nam còn hạn chế.

Nhạc hội diễn ra nhằm mục đích giới thiệu, thu hút giới trẻ tham gia để quan tâm đến đờn ca tài tử, môn nghệ thuật chỉ có ở Nam bộ nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua nhạc hội, các cơ quan liên quan đánh giá về chất và lượng của phong trào đờn ca tài tử trong vùng, qua đó, có kế hoạch hỗ trợ, củng cố, phát triển cho xứng tầm khi nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
NSƯT Kim Tử Long trong một trích đoạn ngọt ngào
Hai MC Quế Trân và Hồng Phúc
Khán giả say sưa nghe
Hai nữ tài tử đờn hòa tấu
Đờn ca tài tử thu hút cả những nghệ sĩ trẻ
Toàn cảnh Nhạc hội đờn ca tài tử TP.HCM 2011
Đờn ca tài tử không những tôn vinh các nghệ nhân, nghệ sĩ thành danh, nổi tiếng được giới mộ điệu và công chúng mến mộ, mà còn khẳng định được giá trị đẹp đẽ, cao quý của văn hóa, con người Nam bộ; nhằm hoàn thiện bộ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam cùng với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiển