- Một dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ấn tượng hơn trong năm 2017 từ mức đáy năm vừa qua. Kinh tế Mỹ sẽ góp phần đầy nhanh tăng trưởng toàn cầu. Và như vậy, nhiều khả năng, việc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ có lẽ sẽ không phải là “thảm họa” với kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng hồi phục
Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospect report) của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng nhẹ và đạt mức 2,7% trong năm 2017 sau khi nằm ở mức thấp trong thời kỳ hậu khủng hoảng trong năm qua.
Dự báo của tổ chức tài chính uy tín hàng đầu trên trường quốc tế đã phần nào làm giảm đi những lo ngại nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào tình cảnh “thảm họa” mà một số chuyên gia kinh tế nổi tiếng đưa ra gần đây nếu nước Mỹ được dẫn dắt bởi tổng thống Donald Trump.
Dự báo của WB được đưa ra dựa trên đánh giá cho rằng, một số cản trở tại các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển xuất khẩu hàng nguyên vật liệu sẽ bị gỡ bỏ và cầu nội địa tại các nước này vẫn duy trì tốt.
Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2017, tức đáy 2016. |
Cũng theo WB, tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng và đạt mức 1,8% trong năm 2017. Các chương trình kích thích tài khoá tại các nền kinh tế lớn, nhất là tại Hoa Kỳ, sẽ đẩy nhanh tăng trưởng trong nước và toàn cầu cao hơn dự kiến mặc dù bảo hộ mậu dịch có thể gây nên tác động tiêu cực.
Tỷ lệ tăng trưởng chung của thị trường mới nổi và các nước đang phát triển dự kiến đạt 4,2% trong năm nay, cao hơn mức 3,4% năm ngoái trong bối cảnh giá cả hàng nguyên vật liệu tăng nhẹ.
Tăng trưởng khu vực Đông Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,2% trong năm 2017 do tăng trưởng tại Trung Quốc tiếp tục giảm nhưng tăng trưởng các nước khác lại tăng.
Các nước khác sẽ tăng trưởng nhanh và đạt mức trung bình 5% trong năm 2017 nhờ các nước xuất khẩu nguyên vật liệu quay trở lại mức tăng trưởng trung bình dài hạn. Các nước nhập khẩu nguyên vật liệu, trừ Trung Quốc, sẽ giữ ở mức ổn định với trường hợp ngoại lệ là Thái Lan. Nhờ mức độ niềm tin được tăng cường và các chính sách hỗ trợ nên tốc độ tăng trưởng tại Thái Lan sẽ tăng. Indonesia dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% nhờ đầu tư tư nhân tăng. Malaysia sẽ tăng 4,3% do đã điều chỉnh thích ứng với tình trạng giá hàng nguyên vật liệu sụt giảm và nay giá đã chững lại.
Các nước trong khu vực Châu Âu và Trung Á dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 3,5% năm 2017 do các nước xuất khẩu nguyên vật liệu và kinh tế Thổ-Nhĩ-Kỳ hồi phục. Trong năm nay Nga sẽ tăng trưởng 1,5% do giá dầu sẽ chấm dứt chuỗi đi xuống.
Khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê sẽ quay trở lại tăng trưởng dương và đạt 1,2% trong năm 2017. Brazil sẽ tăng trưởng 0,5% nhờ một số cản trở trong nước được giảm bớt. Argentina sẽ giảm bớt chính sách thắt chặt tài khoá và tăng đầu tư, dự báo sẽ đạt mức tăng 2,7% năm nay. Trong khi đó, Venezuela sẽ vẫn bị thiệt hại gây ra bởi mất cân đối kinh tế nghiêm trọng và dự kiến tăng trưởng âm 4,3%.
Tăng trưởng trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ phục hồi nhẹ và đạt 3,1%, trong đó các nước nhập khẩu dầu hoả đạt mức tăng mạnh nhất. Trong số các nước xuất khẩu dầu, Ả-rập Xê-út dự báo sẽ tăng nhẹ và đạt 1,6%. Tăng trưởng trong khu vực Nam Á dự kiến tăng nhẹ và đạt 7,1% trong năm 2017 nhờ Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Rủi ro rập rình
Mặc dù đưa ra dự báo khá tích cực, nhưng WB cho rằng, viễn cảnh chung này vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi định hướng chính sách chưa rõ ràng tại các nền kinh tế lớn. Tình trạng này nếu còn tồn tại lâu cũng sẽ kéo dài thời kỳ đầu tư thấp tại tất cả các nền kinh tế thu nhập thấp, trung bình và cao.
Kinh tế thế giới có thể đối mặt nhiều rủi ro trong 2017. |
Ông Jim Yong Kim, chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, sau một số năm tăng trưởng thấp đáng thất vọng trên toàn cầu, đã xuất hiện các chỉ dấu đáng khích lệ về cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cũng theo ông Kim, giờ là lúc chớp lấy đà tăng trưởng và tăng cường đầu tư vào hạ tầng và con người. Đây là điều cực kỳ quan trọng nhằm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, cần thiết để xoá bỏ nghèo cùng cực.
Báo cáo đã phân tích tình trạng đáng lo ngại gần đây về suy giảm tăng trưởng đầu tư tại thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, nơi chiếm tới 1/3 GDP, 3/4 dân số và số người nghèo toàn cầu. Mức tăng đầu tư đã giảm từ mức trung bình 10% năm 2010 xuống còn 3,4% năm 2015 và trong năm 2016 có thể còn giảm tiếp 1/2 điểm phần trăm nữa.
Tốc độ tăng trưởng đầu tư suy giảm một phần do thực hiện điều chỉnh từ mức đầu tư cao trước khi xảy ra khủng hoảng, nhưng phần nào cũng phản ánh một số yếu tố tiêu cực tại thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó phải kể đến giá dầu thấp (đối với các nước xuất khẩu dầu), đầu tư nước ngoài chậm lại (đối với các nước nhập hàng hoá nguyên vật liệu) và trên bình diện rộng hơn, đó là tình trạng nợ tư nhân và rủi ro chính trị.
Ông Paul Romer, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới, cho rằng WB có thể giúp các chính phủ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư và họ hoàn toàn có thể tin tưởng rằng khoản đầu tư của họ sẽ được kết nối với mạng lưới toàn cầu.
“Nếu chúng ta không đầu tư và xây dựng các con đường mới thì các nhà đầu tư tư nhân cũng không đầu tư để xây dựng các khu nhà mới. Nếu không xây dựng nơi làm việc được kết nối với khu dân cư thì hàng tỷ người muốn tham gia vào nền kinh tế hiện đại cũng sẽ không có cơ may đầu tư vào nguồn vốn con người bằng cách vừa làm vừa học”, ông Romer chia sẻ.
Còn theo ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Kinh tế Phát triển, Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Hoa Kỳ giữ một vai trò vô cùng lớn trong nền kinh tế toàn cầu nên những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ sẽ tạo ra những đợt sóng.
Theo ông Kose, chính sách tài khoá kích thích tăng trưởng tại Hoa Kỳ sẽ kích thích tăng trưởng tại nước này và trên thế giới trong kỳ ngắn hạn, nhưng các thay đổi chính sách thương mại và các chính sách khác lại có tác động ngược lại. Tình trạng chính sách tại các nền kinh tế lớn có thể sẽ gây nên những tác động tiêu cực lên tăng trưởng toàn cầu.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế thế giới còn phụ thuộc vào sự phục hồi giá hàng nguyên vật liệu sẽ hồi phục và tình trạng bất ổn chính trị sẽ cải thiện. Viễn cảnh chung của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển bị lu mờ đôi chút bởi thương mại quốc tế đình trệ, đầu tư kém và mức tăng năng suất lao động kém.
M. Hà