Là một xã vùng xa, đời sống kinh tế của người dân xã Dang Kang, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất luôn gặp không ít khó khăn vì làm ăn theo lối truyền thống vẫn còn in đậm.

Do vậy, để phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển mạnh cả về chiều sâu và chiều rộng, Đoàn xã Dang Kang đã chủ động giới thiệu các loại cây con, giống mới có hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật; thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật... mở lớp tập huấn kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên và các hộ nông dân tham gia.

Đồng thời, tạo điều kiện để bà con được vay vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất, mua thêm máy móc, thiết bị. Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân người dân tộc thiểu số đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống ngày càng ổn định. 

capture ung dung.jpg
Nhiều hộ dân mạnh dạn tái canh bằng cà phê giống mới, có năng suất cao hơn.

Sau khi được định hướng, hỗ trợ vốn và tham gia các lớp tập huấn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Dang Kang đã biết chuyển đổi đất trồng lúa rẫy không mấy hiệu quả sang trồng giống bắp lai do Trạm Khuyến nông huyện cung cấp, mỗi vụ đạt năng suất cao. Không ít hộ dân mạnh dạn phá bỏ cây cà phê già cỗi, tái canh bằng cà phê giống mới, có năng suất cao hơn, trong đó 1 ha cà phê kết hợp xen canh sầu riêng, tiêu và chăn nuôi thêm bò.

Địa phương cũng tiếp tục khuyến khích bà con phát triển diện tích trồng xen canh bằng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao cũng như tích cực học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, thu nhập từ trồng trọt tăng đáng kể giúp cuộc sống của người dân bản địa ổn định được cuộc sống và từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu. 

Hiện nay, hơn 80% gia đình trong xã có cuộc sống trung bình, khá giả. Nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đó là những con số ấn tượng về phong trào lập thân lập nghiệp của đồng bào dân tộc tại Dang Kang.

Khánh Vy