Ở Quảng Ninh, đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống tập trung ở 2 xã Trường Sơn và Trường Xuân. Với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, đời sống của bà con dân tộc Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh từng bước đổi thay.

Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên phụ nữ dân tộc Vân Kiều tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, hoạt động, chương trình công tác hội để đưa phong trào phụ nữ ngày càng phát triển.

{keywords}
Bản làng ngày càng khang trang, đổi mới giữa đại ngàn Trường Sơn.

Trường Sơn là một xã miền núi nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Hàng năm, để hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội LHPN xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị… tổ chức tuyên truyền vận động, tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt.

Cùng với đó, Hội thành lập các nhóm tiết kiệm thôn, bản giúp chị em học cách tiết kiệm, giúp đỡ các chị em khó khăn khác có nguồn vốn nhỏ để xoay vòng; trực tiếp đưa nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện với gần 6 tỷ đồng đến cho cán bộ, hội viên, phụ nữ vay để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, Hội còn đăng ký với Đảng ủy xã thực hiện các mô hình dân vận khéo, như: trồng rau sạch tại Chi hội Long Sơn, mô hình không sinh con thứ 3 tại Chi hội Liên Xuân, mô hình trồng cỏ chăn nuôi tại bản Cổ Tràng; đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện các tiêu chí "5 không 3 sạch".

Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn Trần Thị Thùy Dung chia sẻ, toàn xã hiện có 1.062 hội viên phụ nữ, trong đó có 626 hội viên là phụ nữ Vân Kiều. Nhiều năm qua, để giúp phụ nữ nghèo có vốn sản xuất Hội đã tín chấp, kết hợp với Ban xóa đói giảm nghèo xã, NHCSXH huyện cho vay các kênh vốn để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho chị em. Hội đã chỉ đạo các chi hội giúp 57 phụ nữ nghèo của xã được hỗ trợ vay vốn, giúp ngày công và kiến thức.

Đến nay, các thành viên của Hội không những làm kinh tế khá, giỏi mà còn có 150 thành viên tham gia gửi tiết kiệm cho NHCSXH với số tiền hơn 162 triệu đồng. Đặc biệt, những năm gần đây, tinh thần tham gia các phong trào của hội viên là đồng bào dân tộc Vân Kiều sôi nổi hơn. Nhận thức và ý thức của mỗi chị em chuyển biến hàng ngày.

Chung niềm vui, chị Nguyễn Thị Mọng, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, cho hay, xác định việc hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế là nhiệm vụ cần thiết, Hội LHPN xã đã tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới; tổ chức thành lập 9 tổ tiết kiệm thông qua dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo và đã có 50% thành viên trong tổ là phụ nữ nghèo, dân tộc Vân Kiều được hưởng lợi từ dự án.

Cùng với việc hỗ trợ vay vốn cho chị em dân tộc Vân Kiều làm kinh tế, Hội LHPN xã còn là cầu nối giúp hội viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất kinh doanh các mặt hàng phù hợp với thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, hàng năm, Hội LHPN xã Trường Xuân còn giao chỉ tiêu cho từng chi hội giúp đỡ hội viên nghèo. Từ phong trào này, toàn xã có trên 50 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo bền vững…

Một trong những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Trường Xuân là chị Nguyễn Thị Dinh ở thôn Rào Đá. Chị Dinh tâm sự: "Với 2.000m2 đất đồi, tôi vay vốn từ NHCSXH huyện Quảng Ninh với số tiền 50 triệu đồng cùng số tiền tích góp để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, gia trại của gia đình có từ 80-100 con lợn thịt, hơn 300 con gà thả vườn…, mỗi năm, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng".

Theo chị Dương Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh, để giúp chị em phụ nữ Vân Kiều nâng cao đời sống, các cấp hội phụ nữ đã tích cực vận động chị em phát huy tinh thần tự lực, phát triển sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Với phương châm "bắt tay chỉ việc", các chi hội, tổ phụ nữ phân công các hội viên có điều kiện, kinh nghiệm hướng dẫn, từng bước giúp chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Từ tập quán canh tác lạc hậu "phát, đốt, cốt, trỉa", sản xuất tự cung tự cấp, đến nay, chị em dân tộc Vân Kiều ở 2 xã Trường Sơn, Trường Xuân đã biết thâm canh trồng lúa nước, kết hợp làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, nhận đất rừng để cải tạo vườn đồi, trồng rừng phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình phát triển tổng hợp…

Thanh Tùng
Ảnh: Hoàng Giang