Internet là cái "bẫy" với nhiều trẻ em

Đại diện tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cảnh báo về việc hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19.

Việt Nam thuộc top các quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với 64 triệu người, chiếm 66% dân số. Trong đó, 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 - 24; mỗi ngày có rất nhiều hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, cứ 4 trẻ được hỏi thì có một trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội; 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt thì cao gấp 3 lần số trẻ em nam. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 3 năm qua, có hơn 150 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng được phát hiện, xử lý.

Để đối phó với dịch bệnh việc dạy và học online được thực hiện tại nhiều địa phương, một số đối tượng lợi dụng tình hình này để thâm nhập, quấy phá các phòng học trực tuyến, ăn cắp địa chỉ, thông tin liên lạc của người sử dụng nhằm thực hiện các mục đích xấu như: gửi đường link có nội dung độc hại, dụ dỗ, mời gọi trẻ tham gia các trò chơi trực tuyến…

Internet chứa đựng kho thông tin khổng lồ với rất nhiều kiến thức và tiện ích song cũng là “cái bẫy” gây ra hậu quả  khôn lường mà thiếu đi sự giám sát của người lớn. Điều đáng nói là không ít gia đình chưa biết kỹ năng hoặc xem nhẹ việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.

Phụ huynh cần được trang bị kỹ năng số

{keywords}
Cần trang bị kỹ năng số cho phụ huynh để hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn. (Ảnh minh họa: Internet)

Việc bảo vệ trẻ em chỉ thật sự phát huy hiệu quả nếu có sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ giữa phụ huynh học sinh, nhà trường và xã hội.

Các em cần được trang bị kiến thức về sử dụng Internet an toàn giúp tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, điều quan trọng là trang bị kỹ năng số cho phụ huynh để hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn; cần có biện pháp giám sát hiệu quả; thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của con, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Chú ý kiểm tra việc sử dụng Internet của trẻ, các nội dung trẻ tìm kiếm, ứng dụng mà trẻ sử dụng, mối quan hệ của trẻ trên môi trường “ảo”, những thay đổi bất thường để đảm bảo trẻ luôn được bảo vệ trên không gian mạng. Tích cực tham gia hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại gia đình, nhà trường và xã hội.

Việc liên hệ giữa gia đình và nhà trường cần thường xuyên liên tục, giúp trẻ có  nhận thức đúng đắn, sử dụng Internet một cách thiết thực cho học tập và cuộc sống.

Cộng đồng xã hội cần phát huy trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng. Không chia sẻ thông tin thiếu lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như bạo lực, khiêu dâm, tệ nạn,... không bình luận, không cổ súy cho hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, tình cảm của các em. Cộng tác, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; kịp thời phản ánh thông tin tiêu cực, hành vi xâm hại đối với trẻ em cho cơ quan chức năng.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng cần xây dựng nội dung truyền thông phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tiêu chuẩn cộng đồng; luôn ưu tiên đặt lợi ích của trẻ và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng phải kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; thiết lập công cụ kỹ thuật để rà soát, chặn lọc và loại bỏ nội dung độc hại đối với trẻ em; cung cấp và liên tục cải tiến bộ lọc nội dung, cảnh báo, hạn chế tiếp cận thông tin phù hợp với từng độ tuổi...

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế kết nối Internet mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo; nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn.

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm; được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ hoặc từ người thân và cộng đồng.

Linh Đan (Tổng hợp)