Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, quan tâm tới chuẩn nghèo đa chiều mới, huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã linh hoạt triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm...  

Đơn cử, để bù đắp chiều thiếu hụt về nhà ở, năm 2023, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 80 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền trên 7,2 tỷ đồng.

Năm 2024, huyện tiếp tục rà soát hỗ trợ xây mới và sửa chữa 64 hộ đủ điều kiện, trong đó có 40 hộ đã hoàn thành xây dựng nhà ở, tổng kinh phí hỗ trợ trên 6,2 tỷ đồng, giúp cho các hộ nghèo an cư, ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết toàn huyện có 807 hộ nghèo, 1.101 hộ cận nghèo và một hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cùng với đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn thường xuyên được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Trung bình mỗi năm, huyện tạo việc làm mới cho trên 2.500 lao động, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hàng trăm lao động địa phương được tạo điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Các lớp dạy nghề tại các xã, thị trấn thuộc huyện Yên Mô được tổ chức để người dân, trong đó có nhiều người nghèo, cận nghèo, thuận tiện theo học với các làng nghề như chế biến cói, bèo xuất khẩu; làng nghề bún Yên Thịnh; làng nghề thợ nề Bình Hải…

Hàng năm các làng nghề đóng góp khoảng 30-32% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Các lớp học nghề không những giúp người dân nghèo, cận nghèo, có nghề nghiệp để cải thiện, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của địa phương.

W-Giảm nghèo_thach_thao.jpg
Nhiều địa phương tại Ninh Bình, trong đó có huyện Yên Mô, quan tâm bù đắp chiều thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo.

Với những chính sách thiết thực, phù hợp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Yên Mô đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 61 triệu đồng. Đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%.

Để mở cánh cửa thoát nghèo cho người dân, huyện Yên Mô cũng đặc biệt chú trọng hoạt động hỗ trợ vay vốn. Thông qua việc thành lập các tổ vay vốn do các hội, đoàn thể phụ trách, người dân, đặc biệt là hộ nghèo, được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay như vay vốn sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn; vay vốn học sinh, sinh viên; vay vốn đầu tư khai thác nước sạch và vệ sinh môi trường..., giúp giải quyết, bù đắp các thiếu hụt các chiều dịch vụ xã hội cơ bản.

Cũng từ nguồn vốn vay, hộ nghèo, hộ cận nghèo có "đòn bẩy" để phát triển sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, vượt qua đói nghèo, giúp các hộ nông dân có vốn để mua các loại cây, con giống, vật tư nông nghiệp hoặc đầu tư sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Nhiều hộ nghèo sau khi được vay vốn đã thay đổi phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên 4.800 lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được thụ hưởng nguồn chính sách tín dụng ưu đãi, với tổng nguồn vốn trên 237 tỷ đồng.

Để cụ thể hóa Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn, huyện Yên Mô cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về giảm nghèo, đa dạng các hình thức truyền thông trực tiếp như tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến chế độ, chính sách mới về giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở.