Bám sát chủ trương của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai rất tích cực triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý, cụ thể thông qua nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành.  

Đơn cử, trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)... Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời nâng tầm được giá trị.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc triển khai truy xuất nguồn gốc nông sản, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã và đang khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tiếp cận với hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn quốc gia nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm.

Từ năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần iCheck về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình thúc đẩy áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản đến ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, iCheck sẽ tài trợ cho 2000 doanh nghiệp, HTX, Trang trại tỉnh Đồng Nai sử dụng miễn phí hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm đăng ký tài khoản, hỗ trợ cập nhật thông tin, hình ảnh về sản phẩm, tạo mã QR Code trong vòng 01 năm. Tổng giá trị gói tài trợ lên tới 10.000.000.000 đồng. Bên cạnh đó, iCheck sẽ hỗ trợ các khóa tập huấn cho doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai về kiến thức truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch.

Hệ thống của iCheck sử dụng mã QR code để truy xuất thông tin sản phẩm hàng hóa. iCheck xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuẩn quốc gia và chuẩn GS1 TRACE.ICHECK.VN nhằm giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện các hoạt động nội bộ như: xuống giống, bón phân, xử lý dịch hại, chăm sóc cây trồng vật nuôi, thu hoạch, sản xuất, chế biến, đóng gói…. Thông tin sản phẩm và hoạt động sản xuất với dữ liệu nội vi và ngoại vi.

Sự khởi đầu này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp và người nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, hợp tác xã và người nông dân nói chung, chuyển số sẽ đem lại cơ hội mang sản phẩm nông nghiệp Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ngành nông nghiệp tỉnh hiện có 5 phòng máy chủ phục vụ nhu cầu triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng. Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai được 27 phần mềm/ cơ sở dữ liệu, nhất là xây dựng 5 dự án chuyển đổi số và vận hành 2 dự án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trang trại chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thiết yếu đến năm 2025.