Hướng tới nền nông nghiệp thân thiện với môi trường

Với mục tiêu tối ưu hóa nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất nông nghiệp và áp dụng những phương pháp sản xuất hiện đại, tỉnh Đồng Nai đang từng bước hướng tới nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Tại quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo đó, tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ việc phát triển các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu, đa dạng sản phẩm xuất khẩu. Tỉnh sẽ có 300 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung lớn để trồng lúa, rau, cây công nghiệp, cây ăn quả. Ngoài ra, tỉnh quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nội dung quy hoạch phát triển nông nghiệp với mục tiêu khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái... Ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản phải chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

Thực hiện chủ trương này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát triển nông thôn gắn với vùng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của từng vùng trên cơ sở kế thừa từ các điểm dân cư hiện hữu, cải tạo chỉnh trang hạ tầng nông thôn kết hợp với xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa thành thị với nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Với lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp như: quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực xuất khẩu. Nông dân ngày càng có nhận thức cao về sản xuất an toàn, diện tích sản xuất đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ của tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Nhiều vùng chuyên canh, vùng sản xuất các cây trồng chủ lực đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Các biện pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào hóa chất trong nông nghiệp được triển khai rộng khắp. Hiện tại, tỷ lệ phân bón hữu cơ chiếm khoảng 45,5% tổng lượng phân bón được sản xuất và tiêu thụ trong tỉnh. Đặc biệt, diện tích cây trồng sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đạt gần 59.754ha, chiếm khoảng 31,27% tổng diện tích cây trồng chủ lực.

Song song đó, Đồng Nai cũng thực hiện hiệu quả Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngành chăn nuôi đã chuyển dần sang quy mô công nghiệp, kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường. 

Một số tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp chăn nuôi an toàn với môi trường và giảm phát thải như: giải pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi; sử dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng khí sinh học, thu gom chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ…

anh 1.jpg

Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp

Đồng Nai hiện đã có Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đóng vai trò kiến tạo để giúp người sản xuất và doanh nghiệp có thể chuyển đổi và định hướng phát triển phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung phát triển các sản phẩm và phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh; xây dựng các kênh phân phối bền vững, giữ vững thị trường trong tỉnh, trong nước, bảo vệ sinh kế cho người dân sản xuất nông nghiệp. 

Các mục tiêu cụ thể là ngành công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh; trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về đổi mới sáng tạo và cung ứng công nghệ về công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản.

Một hướng đi nữa tỉnh Đồng Nai trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh và bền vững là triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như: trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa, truy xuất nguồn gốc nông sản...

Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian qua, tỉnh tích cực triển khai nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, vận hành 27 phần mềm. 

Từ năm 2020, ngành nông nghiệp triển khai Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ cao như: nuôi tôm siêu thâm canh; sử dụng chíp điện tử theo dõi sức khỏe và thức ăn chăn nuôi heo giống; công nghệ tự động kiểm soát nhiệt độ, nước uống, thức ăn chăn nuôi gà công nghiệp…

Đình Sơn