Nằm trong “tam giác” phát triển kinh tế phía Nam, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, dân cư đông, lượng xe cá nhân lớn. Tình trạng quá tải xe chạy xăng, dầu đang gây sức ép lên môi trường đô thị. Theo đánh giá của Sở TN&MT Đồng Nai, nồng độ bụi mịn và khí thải giao thông ở các trung tâm đô thị như TP Biên Hòa, TP Long Khánh, Xuân Lộc, Dầu Giây, Long Thành… thường xuyên vượt ngưỡng, kéo theo sự gia tăng bệnh tật và căng thẳng tâm lý ở người dân.
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ, đồng thời nhận thấy sự dịch chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; chuyển đổi dần từ xe bus xăng, dầu sang xe bus điện ở Việt Nam là xu hướng tất yếu. Do vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đang muốn phát triển hệ thống xe bus điện làm xương sống cho vận tải công cộng của tỉnh này. Lộ trình này sẽ được tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh trong giai đoạn 2023-2030.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai, với dân số hơn 3,1 triệu người, Đồng Nai hiện có đến 2,7 triệu phương tiện cá nhân, trong đó 90% là xe máy chạy xăng. Vào các giờ cao điểm, nhiều nút giao thông trở nên hỗn loạn khi hàng ngàn xe máy, ô tô cá nhân đổ ra đường cùng lúc, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch. Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm khiến lượng khói, bụi tỏa ra từ các phương tiện giao thông rất lớn; khói bụi từ phương tiện giao thông đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Theo các chỉ số không khí đo đạc được cho thấy, tại các nơi có mật độ giao thông cao trong ngày tại Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành… phần lớn là màu vàng cam, đỏ (không khí ở các mức kém, xấu) vào các giờ cao điểm. Trong đó, nồng độ bụi mịn PM 2.5 luôn vượt từ 3,5 lần so với ngưỡng giá trị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - đây là chất gây ô nhiễm chính cho môi trường không khí. “Nguyên nhân gây ô nhiễm này ngoài khói bụi công nghiệp thì một phần lớn đến từ phát thải của hoạt động giao thông, trong đó hệ thống xe bus cũ chạy xăng, dầu là một nhóm tác nhân tiêu biểu”, báo cáo của Sở TN&MT Đồng Nai viết.
Trong khi đó, theo số liệu từ Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT Đồng Nai), toàn tỉnh hiện có 270 xe bus công cộng, nhưng có tới 142 xe bus có tuổi đời hoạt động trên 10 năm (chiếm 52,6%), 41 xe hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 15,2%), số còn lại là hoạt động dưới 5 năm. Nhận thấy bus điện được Hà Nội và TP.HCM triển khai bước đầu được người dân đón nhận nên Đồng Nai cũng đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ xe bus chạy xăng, dầu sang xe bus điện dựa trên lộ trình của Chính phủ đến năm 2050, là 100% xe bus sử dụng điện.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, Đồng Nai cũng cần những đòn bẩy chính sách, cơ chế hỗ trợ sản xuất xe bus điện, hỗ trợ vốn cho đơn vị đầu tư và trợ giá xuất bến… Bởi, nếu xét về lợi ích thì bus điện đang chiếm nhiều ưu điểm, nhưng về chi phí vận hành thì đang là bài toán khó không chỉ riêng của Đồng Nai nếu muốn chuyển đổi. Cụ thể, theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, 10 tháng của năm 2023, lượng khách lựa chọn đi xe bus điện đã tăng gấp đôi so với khi mới đưa vào hoạt động, tuy nhiên một trong những khó khăn đó là tình trạng các tuyến bus điện hoạt động chưa có lãi.
Trong khi tại Hà Nội, sau thời gian ngắn đi vào khai thác cả 9 tuyến xe bus điện của Thủ đô đã đã thực hiện trên 20,3 triệu km vận hành, giảm phát thải hơn 18 ngàn tấn khí CO2, tương đương với việc trồng khoảng 844 ngàn cây xanh. Tuy nhiên vấn đề bù lỗ, trợ giá đang là rào cản để bus điện có thể mở rộng mạng lưới. Cụ thể, thông tin từ VinBus - chủ đầu tư tuyến bus điện ở TP.HCM, hiện mỗi chuyến bus điện được ngân sách bù 309,8 ngàn đồng, nhưng đơn vị này vẫn lỗ khoảng 238 ngàn đồng/chuyến.
Còn tại TP.Hà Nội, sau gần 2 năm đưa vào vận hành, dù loạt tuyến xe bus điện ngày càng thu hút nhiều hành khách do độ kết nối phủ rộng và thuận tiện. Tuy nhiên để nâng số tuyến bus điện, giảm tương ứng số lượng xe bus chạy xăng, dầu là việc không dễ dàng dù lợi ích cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội đã được thấy rõ. Quay lại mong muốn của Đồng Nai, Phó giám đốc Sở GTVT Dương Văn Đông cho biết, việc chuyển đổi xe bus chạy xăng, dầu sang xe bus điện không khó, quan trọng là phải có đủ nguồn lực, bởi hiện nay một chiếc xe bus điện có giá gần gấp 3 lần xe bus truyền thống.
“Hiện một chiếc xe bus điện loại Vinbus đang khai thác tại Hà Nội và TP.HCM có giá khoảng 7 tỷ đồng. Trong vòng đời 10 năm hoạt động, xe bus điện cần chi phí thay pin khoảng 2 tỷ đồng, tổng cộng cần 9 tỷ đồng trong 10 năm. Trong khi xe bus chạy xăng, dầu có sức chứa tương đương có giá hơn 2 tỷ đồng, tính cả chi chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trong vòng đời 10 năm khoảng 3 tỷ đồng. Dù rất muốn chuyển đổi nhưng xe bus hiện vẫn là dịch vụ cần được Đồng Nai tính toán trước khi đưa vào thử nghiệm”, ông Đông nói.