Đồng Nai nằm trong vùng khí hậu ôn hoà với mùa nắng và mùa mưa. Diện tích tự nhiên gần 6 ngàn km2 và dân số gần 3,2 triệu người, trong đó có hơn 60% dân số sống ở vùng nông thôn đã cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp.
Tỉnh có trên 287.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7.600 ha nuôi trồng thủy sản, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với việc sản xuất nhiều loại nông sản khác nhau. Đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn trái nhiệt đới có giá trị kinh tế cao.
Ngành chăn nuôi phát triển mạnh với khoảng 2,56 triệu con lợn; 27,5 triệu con gà. Mặc dù là tỉnh nằm trong vùng nội địa, không giáp biển, nhưng với diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ, rất thuận lợi cho nuôi thủy sản phát triển. Tổng diện tích mặt nước khoảng 63 ngàn ha, gồm 59 ngàn ha nước ngọt và khoảng 4 ngàn ha nước lợ. Tổng diện tích có tiềm năng nuôi thủy sản của tỉnh là 48,3 ngàn ha (diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 35,7 ngàn ha, trong đó: nước ngọt: 33,9 ngàn ha và nước lợ: 1,8 ngàn ha).
Diện tích đất lâm nghiệp có rừng khoảng 171 ngàn ha (chiếm khoảng 30% diện tích đất tự nhiên của tỉnh); công tác phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 29% và tỷ lệ che phủ cây xanh 52%.
Bắt kịp làn gió chuyển đổi số là cơ hội để Đồng Nai tăng tốc biến tiềm năng thành lợi thế, Tỉnh đã đã ban hành Kế hoạch CĐS ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp được quan tâm.
Với kế hoạch này, Đồng Nai đã trở thành địa phương tiên phong trong cả triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, nông sản. Từ năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Dự án Truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt có nguồn gốc từ động vật.
Từ chủ trương này, vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã áp dụng chuyển đổi số trong cả chăn nuôi, trồng trọt. Người nông dân đã có cơ hội ứng dụng nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, trại nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản... Nhờ đó, năng suất lao động tăng, nhà nông không chỉ giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, mà còn kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ những hiệu quả bước đầu, các địa phương trên địa bàn tỉnh giờ đây tự tin đẩy mạnh thực hiện CĐS trong quản lý, giám sát và đánh giá phân hạng sản phẩm Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP; hoàn thành hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về chính quyền địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng internet…
Những ghi nhận từ thực tế ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai là minh chứng cho thấy, sự chủ động, tích cực, tầm nhìn xa đã mang lại trái ngọt nhờ tích cực áp dụng chuyển đổi số. Nhờ quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp nên mặc dù là một tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn đạt nhiều thành quả ấn tượng trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như nằm trong top đầu của các tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước; thuộc top đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn…