Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 106/120 xã nông thôn mới nâng cao; dự kiến đến cuối năm 2025, tất cả các xã sẽ đạt nông thôn mới nâng cao và 25% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thực tế, những xã đã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu đang ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để tiến thêm bước nữa trở thành xã nông thôn mới thông minh. 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Võ Văn Phi, xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, các tiêu chí đã đạt sẽ tiếp tục nâng cao để người dân vùng nông thôn được thụ hưởng những điều kiện, đời sống tốt hơn. Tỉnh sẽ luôn ưu tiên đầu tư, xây dựng các vùng quê trở thành nơi có nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, hạ tầng kỹ thuật kết nối thuận lợi, nông dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản và lợi nhuận.

Đồng Nai
Camera thông minh theo dõi an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Tỉnh Đồng Nai đã chọn 3 xã thí điểm chuyển đổi số gồm: xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu; xã Long Phước, huyện Long Thành; xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc. 

Tại các xã thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới thông minh, thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử, kết quả xử lý hồ sơ đúng hạn. Đồng thời, xã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh hoặc camera AI phục vụ giám sát an ninh, trật tự, kết hợp giám sát giao thông tại các điểm trọng yếu, điểm đen giao thông, trật tự xã hội. Xã có hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt đến cấp huyện, cấp tỉnh và Chính phủ.

Các xã này cũng đều đã trang bị hệ thống camera hội nghị họp trực tuyến (đã tích hợp sẵn camera, loa, micro), có thể sử dụng kết hợp với các phần mềm họp trực tuyến như Zoom, MS Team... Tập trung công tác tuyên truyền, triển khai các ứng dụng, dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt... đến người dân trên địa bàn xã.

Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu cho hay, xã Bình Lợi đã triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử... để đẩy mạnh xây dựng chính quyền số. Bước đầu xã phát triển xã hội số qua việc triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy với sự tham gia của đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh… Xã Bình Lợi cũng nỗ lực đưa các nông sản nổi bật, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử trong người dân…

Lan rộng chuyển đổi số tại các xã

Không chỉ các xã thực hiện thí điểm nông thôn mới thông minh, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng quyết định chọn chuyển đổi số trong thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Điển hình như xã vùng sâu Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc vừa đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số. Đến nay, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh toàn xã đạt 87,6%. Trên địa bàn xã có 65 điểm lắp đặt camera an ninh tại trụ sở UBND xã, các tuyến đường giao thông nông thôn và tại các hộ gia đình. Qua đó, thực hiện tốt việc giám sát an ninh, trật tự, kết hợp giám sát giao thông tại các điểm trọng yếu, điểm đen giao thông, trật tự xã hội.

Xã Xuân Hòa đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 4 ấp nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ số. Tổ công nghệ số cộng đồng gồm các thành viên như: bí thư, trưởng ấp, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên vừa giỏi công nghệ vừa rất năng nổ trong công tác vận động. Lực lượng trẻ của địa phương đi tiên phong ứng dụng chuyển đổi số rồi lan tỏa dần ra cộng đồng. Lực lượng này tiếp cận từng người dân, hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyển đổi số, phần mềm thanh toán điện tử... 

Với chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, xã cũng tổ chức đội ngũ đến từng doanh nghiệp, các điểm kinh doanh hướng dẫn; đặt điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại cổng chợ để cả người bán lẫn người tiêu dùng quen dần với phương thức thanh toán này. 

Có thể nói, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số đang được triển khai thực hiện tại Đồng Nai nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị; giúp người dân tại địa phương tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong việc kinh doanh, sản xuất cũng như các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe... Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hình thành những vùng quê đáng sống.