Trưởng Công an huyện Quỳnh Nhai - Đại tá Phan Mạnh Cường mới đây cho VietNamNet biết, đại diện công ty CP Dệt may Sơn La đã đến làm việc với cơ quan công an và tạm nộp 50 triệu đồng. 

{keywords}
UBND huyện Quỳnh Nhai bố trí trường học chất lượng cao cho công ty CP Dệt may Sơn La đào tạo lao động

"Khi tạm nộp tiền cho cơ quan điều tra, phía công ty có nhờ đơn vị giúp đỡ trong việc xác minh hộ số tiền thực tế nợ người lao động. Công ty đồng ý phương án sẽ trả lại tiền cho người dân sau khi có kết luận của cơ quan điều tra", Trưởng Công an huyện Quỳnh Nhai nói.

Đại tá Cường thông tin thêm, quá trình rà soát, xác minh vụ việc vẫn đang được đơn vị tích cực xử lý. Ước tính có khoảng 400 lao đông đã bị công ty CP Dệt may Sơn La thu tiền sai quy định nhưng chưa trả lại. 

"Số lao động rất đông, nhiều người đi làm ăn ở xa nên công tác xác minh vẫn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm làm việc theo đúng trình tự", ông Cường nói.

{keywords}
Nhiều lao động cho rằng mình bị lừa vì công ty không trả tiền

Trước đó, VietNamNet phản ánh về những sai phạm của công ty CP Dệt may Sơn La khi đào tạo và sử dụng lao động tại huyện Quỳnh Nhai. 

Công ty đã đào tạo lao động khi chưa được cấp phép. Bên cạnh đó, do sự buông lỏng trong khâu thẩm định, giám sát của UBND huyện Quỳnh Nhai, DN này đã "bóp méo" nghị quyết 133 của HĐND tỉnh như đưa lao động ra tỉnh ngoài làm việc, không đóng bảo hiểm cho người lao động.  

Sai phạm này được Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Sơn La nêu rõ: "Sau khi quyết toán đợt 1, đã có 118 học viên đi làm việc cho công ty ngoài tỉnh do công ty CP Dệt may Sơn La không bố trí được việc làm. Dù sai phạm nhưng phòng LĐTB&XH Quỳnh Nhai vẫn tiếp tục thẩm định kế hoạch đào tạo đợt 2 trình UBND huyện phê duyệt". 

Đặc biệt, DN này đã được tỉnh rót ngân sách cho việc đào tạo nghề nhưng vẫn tự ý thu của mỗi học viên 600 nghìn đồng. Đến nay, khóa đào tạo đã kết thúc hơn 1 năm, người lao động vẫn chưa nhận lại được số tiền thu sai.

Để xảy ra nhiều sai phạm nhưng theo thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Nguyễn Hoài Thu, không có một cá nhân, tổ chức nào bị kỷ luật mà chỉ "kiểm điểm, rút kinh nghiệm nội bộ".

Anh Đ.C.Q. (xã Mường Giàng) một lao động được đào tạo theo diện nghị quyết 133 buồn bã bày tỏ: "Thời điểm DN vào bản vận động đi học, chúng tôi đều rất tin tưởng vì có cán bộ huyện đi cùng. Khi thu tiền, DN cũng nói là đã xin ý kiến của huyện nên chúng tôi nộp và không nghi ngờ gì. Có người bán gà, bán lợn để lấy tiền nộp cho công ty, bây giờ học xong thất nghiệp, tiền cũng không lấy lại được".

Đoàn Bổng - Clip: Truyền hình VietNamNet

'Con đỉa 2 vòi' hút số tiền lớn ở huyện nghèo Sơn La

'Con đỉa 2 vòi' hút số tiền lớn ở huyện nghèo Sơn La

Chưa được cấp phép đào tạo nghề nhưng công ty CP Dệt may Sơn La (huyện Quỳnh Nhai) vẫn mở lớp, “bóp méo” nghị quyết hỗ trợ đào tạo nghề để vừa rút tiền ngân sách, vừa bắt người dân đóng tiền sai quy định.