Tỉnh Đồng Tháp nằm ở đầu nguồn sông tiền được đánh giá là vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn, nổi tiếng với những cánh đồng Sen hiện diện khắp nơi; cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn giữ được nét hoang sơ; nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị; nghệ thuật ẩm thực độc đáo; con người hiền lành, nhân hậu và mến khách… Đây là vốn tài nguyên vô giá của du lịch. Tài nguyên này lại được phân bổ khá đồng đều, là nền tảng để hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, Đồng Tháp có bước đi cũng như quyết sách khá táo bạo. Du lịch được Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh xác định là ngành kinh tế quan trọng; ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này. Cụ thể: Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020; Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Đồng Tháp; Chương trình Xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014 – 2020, Đề án Tạo dựng hình ảnh địa phương, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Việc sớm ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 đưa vào thực hiện cho thấy quyết tâm của Tỉnh trong việc phát triển du lịch và đã định vị rõ chủ đề của từng khu, điểm du lịch trọng điểm.
Kết quả, trải qua gần 40 năm, du lịch Đồng Tháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, có chất lượng có chất lượng một lượng lớn khách đến Đồng Tháp, bao gồm khách trong nước và ngoài nước. Từ chỗ chỉ có 7 nhà nghĩ với 92 phòng vào năm 1995. Năm 2000 phát triển được 12 cơ sở lưu trú với 332 phòng nghỉ. Đến năm 2005 phát triển được 20 cơ sở lưu trú với 448 phòng. Năm 2010 phát triển được 39 cơ sở lưu trú với 800 phòng nghỉ. Năm 2015 phát triển được 73 cơ sở lưu trú với 1.382 phòng nghỉ. Cho đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 96 cơ sở lưu trú với trên 1.800 phòng nghỉ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách du lịch. Khách du lịch tăng 65 lần từ 60.026 lượt vào năm 1995 lên 3,9 triệu lượt vào năm 2019. Tổng thu từ du lịch tăng 87 lần từ 12 tỷ đồng lên đến 1.051 tỷ đồng vào năm 2019.
Bước sang năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế khác rơi vào khủng hoảng. Tỉnh Đồng Tháp cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó, du lịch hoàn toàn “đóng băng”. Các doanh nghiệp du lịch, Cơ sở dịch vụ du lịch phải tạm nghỉ, cắt giảm nhân viên, hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp. Hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch mất việc làm. Nhà đầu tư, nhất là các hộ mới khởi nghiệp làm du lịch hết sức khó khăn.
Giai đoạn 2016 - 2019, là giai đoạn mà du lịch Đồng Tháp tạo được dấu ấn đột phá, không chỉ xếp thứ 3 khu vực ĐBSCL về số lượng du khách mà còn phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng, nhiều gia đình đã mạnh dạn mở cửa vườn cây ăn trái đón khách tham quan và làm du lịch homestay. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã có ban hành kế hoạch phát triển du lịch kết nối với Đề án phát triển du lịch của tỉnh.
Theo Kế hoạch, đến năm 2025, thu hút trên 5 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân 13%/năm. Tổng doanh thu du lịch 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15%/năm. Du lịch đóng góp từ 5% – 6%/GRDP của Tỉnh. Phấn đấu có ít nhất 10 khu, điểm du lịch cấp Tỉnh; 5 khu, điểm du lịch tiêu biểu cấp Khu vực; 1 khu du lịch cấp Quốc gia (Khu Du lịch Tràm Chim). Giữ vững vị trí nhóm 3 Khu vực. Thu nhập của hộ dân làm du lịch nông nghiệp gấp từ 1,5 lần thu nhập của hộ dân làm nông nghiệp thuần trở lên.
Văn Thường, Trần Sâm, Thu Huyền