Tiếp tục tập trung xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, đột phá, mục tiêu của cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030 là tiếp tục tập trung xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện các Chỉ số: Cải cách hành chính (PAR-Index), Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Hài lòng của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước (SIPAS) và Chuyển đổi số cấp tỉnh; qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhanh và bền vững.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tại buổi làm việc tại Đồng Tháp hôm 16/6, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp cho hay, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra cải cách hành chính đảm bảo kế hoạch đề ra.

Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã làm việc tại Đồng Tháp hôm 16/6.

Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm xây dựng chính quyền thân thiện, chuyển từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Năm ngoái PAPI tỉnh Đồng Tháp đạt 42,43 điểm (giảm 4,53 điểm so với năm 2020), xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ hai so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. SIPAS đạt 89,15%, tăng 0,09% so với năm 2020, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng đối với PAR Index 2021 của tỉnh đạt 86,80%, tăng 0,03% so với năm 2020, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” giữ vững vị trí thứ nhất trong cả nước; 03/08 chỉ số thành phần tăng so với năm 2020, trong đó, chỉ số thành phần “Hiện đại hóa hành chính” tăng nhiều nhất với 5,95%, chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” tăng 5,06% và chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính” tăng 2,37%.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường đi cơ sở để nắm bắt tình hình, ghi nhận ý kiến của người dân. Song song đó, tạo nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân để giải quyết, chấn chỉnh kịp thời.

Đồng thời ông Phạm Thiện Nghĩa cũng nhấn mạnh, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm do đó tỉnh Đồng Tháp luôn xem kết quả các chỉ số: PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS là thước đo đánh giá sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh, từ đó thu hút các nhà đầu tư đến tỉnh.

Phấn đấu nằm trong tốp 5 của cả nước

Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể, phấn đấu hằng năm Chỉ số cải cách hành chính tăng 5% so với năm trước hoặc nằm trong TOP 5 của cả nước. Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước hằng năm trên 90%.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể trong cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030:

Về cải cách thể chế, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xác định đến năm 2025 triển khai thực hiện hiệu quả các thể chế về phát triển các thành phần kinh tế, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện hiệu quả các khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Đến năm 2030: Triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả hệ thống thể chế của nền hành chính hiện đại; thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Đồng Tháp.

Về cải cách thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ của tỉnh đối với việc cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.

Năm 2021, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20%, 15%; giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Tối thiểu 80% thủ tục hành chính của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%. 90% thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời. 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.

Đến năm 2030: 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. Tối thiểu 90% thủ tục hành chính của địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%.

90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ cấu bên trong đúng quy định theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ; các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện  đúng quy định theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ. Số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp huyện không vượt so với quy định.

Tiếp tục phấn đấu giảm tối thiểu bình quân cả tỉnh 10% đơn vị sự nghiệp công lập; 10% biên chế sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.

Hoàn thành 100% việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và khóm, ấp theo tiêu chuẩn quy định. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%.

Đến năm 2030: Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo hướng giảm hợp lý đầu mối các sở, cơ quan ngang sở và giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian.

Tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu như: y tế, trường mầm non, mẫu giáo, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội và chăm sóc người có công...

Phấn đấu giảm 2.575 (tương đương 10%) biên chế sự nghiệp nhà nước hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. Phấn đấu giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 95%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 90%. Phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị.

Về cải cách chế độ công vụ, mục tiêu đến năm 2025 xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Và đến năm 2030: Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: 25% - 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, 80% số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

Về cải cách tài chính công, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện đảm bảo cơ chế tự chủ về tài chính. Tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư và mở rộng phát triển sản xuất. Thành lập thêm 3.000 doanh nghiệp.

Đến năm 2030: Hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư và mở rộng phát triển sản xuất. Thành lập thêm 6.100 doanh nghiệp.

Về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, phấn đấu đến năm 2025 có 100% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền. 100% cơ quan hành chính trên địa bàn Tỉnh tham gia sử dụng hệ thống thông tin báo cáo. 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định. 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Triển khai Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Đồng Tháp; triển khai Hệ thống phòng họp không giấy (e-Cabinet) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Triển khai Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện: 100% cấp tỉnh, 80% cấp huyện thực hiện họp thông qua Hệ thống này đối với các cuộc họp của Ủy ban nhân dân. Số hoá 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực.

Kết nối, khai thác 100% cơ sở dữ liệu quốc gia như: Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm... để chia sẻ cho các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung trên địa bàn tỉnh. 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật. Trên 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 100% các cơ quan, địa phương hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành Phân hệ theo dõi nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực.

Đến năm 2030: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

100% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở, dưới định dạng máy có khả năng đọc. Trên 90% cuộc họp giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp huyện với cấp xã được tổ chức theo hình thức Hội nghị trực tuyến. Tỉnh Đồng Tháp có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động (năm 2027). 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tối thiểu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra một số giải pháp triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 là: Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai cải cách hành chính từ Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đến các sở, cơ quan ngang sở, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội. Thứ ba, bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho cải cách hành chính. Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ năm, đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; thường xuyên đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức. Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính.

Tân Hồng