“Hiện nay, người tiêu dùng vẫn có sự thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Thực tế, người dân, dù biết đó là hàng giả, nhưng vẫn mua vì giá rất rẻ” - trao đổi với Lao Động, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - nói. Tổng cục đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố. Lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh, phòng chống vi phạm, nhưng nhiều địa bàn vẫn tái diễn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu...
Một điểm tập kết hàng giả, hàng nhái. Những mẫu quần áo đều gắn các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ ở Việt Nam như Versace, Chanel, Gucci… với mức giá “thật bất ngờ” chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc. Ảnh: LĐO |
Trong nhiều ngày có mặt tại huyện Thanh Miện (Hải Dương), thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường), La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), phóng viên tận thấy những sản phẩm từ quần áo, dày dép, bánh kẹo, nước ngọt được làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng từ trong đến ngoài nước.
Tấp nập bán mua “thượng vàng hạ cám”
Ngô Hạnh (Vĩnh Phúc) là công nhân may tại khu công nghiệp thị trấn Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm trong việc buôn bán quần áo. Hàng của chị chủ yếu được nhập ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và đặt hàng từ xưởng may ở huyện Thanh Miện (Hải Dương). Một chiếc áo gắn mác Versace được Hạnh nhập với giá 30.000 đồng, bán ra từ 60.000-90.000 đồng mỗi chiếc. Khách hàng của chị chủ yếu là công nhân, sinh viên, nhân viên văn phòng. “Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng tiêu thụ không cao, song mỗi ngày, túc tắc, Hạnh vẫn bán được từ 15-20 chiếc” - Hạnh nói.
Theo lời giới thiệu của Hạnh, phóng viên tìm về xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Khác với những ngày trước, có tới 70% cửa hàng, xưởng sản xuất đóng cửa im ỉm. Tìm hiểu được biết, thời gian gần đây, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các hãng nổi tiếng, nên các hộ kinh doanh tạm thời đóng cửa để nghe ngóng; tuy nhiên, với các mối khách quen, họ vẫn bán hàng bình thường…
Tìm mãi, chúng tôi cũng thấy một cửa hàng mở cửa. Trong vai người mua buôn quần áo, phóng viên được chị T (chủ cửa hàng M.T) mời chào những mẫu quần áo mà theo lời chị T quảng cáo là “trend nhất hiện nay”. Những mẫu quần áo đều gắn các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ ở Việt Nam như Versace, Chanel, Gucci… với mức giá “thật bất ngờ” chỉ từ 30.000 đến 50.000 đồng/chiếc. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì giá quá rẻ, chủ cửa hàng nhanh nhảu: “Hàng do xưởng của địa phương sản xuất, nên mới có giá mềm như vậy. Muốn xem nhiều mẫu thì lên Zalo của chị, chị đã đăng tất cả lên đó”.
Ở xã Hồng Phong (huyện Thanh Miện) tình hình buôn bán tấp nập hơn xã Đoàn Tùng. Tại đây, nhiều cửa hàng nối tiếp nhau bán quần áo may sẵn đủ chủng loại; khách ra, vào mua buôn hàng tấp nập. Tại các cửa hàng, rất nhiều mặt hàng quần áo có dấu hiệu giả mạo các hãng thời trang nổi tiếng thế giới như: Nike, Adidas, Uniqlo… được bày bán công khai. Anh Hùng (Hưng Yên) - người mua buôn quần áo - cho biết: “Mặc dù biết sản phẩm giả mạo các thương hiệu thời trang nổi tiếng, nhưng do giá rẻ, mẫu mã, màu sắc bắt mắt nên vẫn thu hút được nhiều tiểu thương mua”.
Tại “thủ phủ hàng giả” thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), không khí buôn bán cũng rất sôi động, dường như không có lúc nào ngơi nghỉ. Nhiều ôtô tải hạng nhẹ của các đại lý từ khắp nơi đến nhập hàng liên tục xuất hiện tại Thổ Tang. Không chỉ ôtô, người đi xe máy cũng ghé vào các cửa hàng này nhập các mặt hàng về bán. Đặc biệt, đa số các hộ bán hàng ở đây không bán trùng mặt hàng của người khác.
Trưa 20.9, phóng viên có mặt tại chợ Giang (thị trấn Thổ Tang). Ngay từ cổng chợ, một cửa hàng bày bán rất nhiều loại kẹo xanh đỏ trong những túi riêng. Khi biết tôi muốn mua hàng về buôn, người bán hàng đã tiết lộ về giá cả của từng loại kẹo cụ thể. Theo đó, loại rẻ giá 25.0000 đồng/5kg; loại đắt hơn giá 30.000-35.000 đồng/5kg. Người bán khẳng định: “Nếu nhập về, bán lên khoảng hai đến năm giá là có lãi”.
Khi đi sâu vào chợ, chúng tôi càng bị ngợp bởi hàng trăm mặt hàng. Dừng trước một cửa hàng bán giày dép, người bán hàng rất nhiệt tình giới thiệu hàng hóa cho khách. Tôi khá bất ngờ vì mức giá khá rẻ: Một đôi dép cho trẻ em chỉ có giá 25.000 đồng. Người bán hàng không ngại nói thẳng “đây là hàng Trung Quốc”.
Chủ cửa hàng còn khuyên tôi, nếu xác định mở cửa hàng, không nên phí thời gian đi khảo giá mà nên xác định mình định bán mặt hàng gì để đặt hàng. Cũng như ở hàng bánh kẹo, khách lấy hàng quần áo nếu không bán được hết có thể đổi sang mặt hàng khác nhưng chỉ giới hạn thời gian trong vòng một tháng.
Những thùng kẹo, nghe tên “nửa lạ nửa quen”
Con đường đầy mùi rác hôi hám dẫn lối chúng tôi tới làng nghề bánh kẹo La Phù, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội. Không phải ngày lễ tết, nhưng những chiếc xe chở đầy các thùng bánh kẹo vẫn xếp hàng dài, nối đuôi nhau lừ lừ di chuyển trên con đường chật hẹp. Tiếng xe bóp còi, người bê hàng, kẻ sắp xếp, ồn ào náo nhiệt. Từ lâu, làng La Phù đã nổi tiếng là nơi có đủ các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh kẹo nhái, với giá không thể rẻ hơn.
Trong vai khách bỏ mối buôn, phóng viên tiếp cận chủ 1 kho hàng nằm sát mặt đường. Người bán nước trên vỉa hè ở La Phù đon đả giới thiệu, kho hàng này “chuyên bán đồ rẻ, đồ của La Phù làm, rất có tiếng”. Bước vào trong là cả thế giới bánh kẹo. Thùng chồng thùng cao chạm trần nhà. Bà chủ kho bận rộn, miệng nói không ngớt, lúc thì trả lời khách, lúc gọi điện thoại chốt đơn cho nhà buôn, khi thì nói với ra ngoài cửa trực tiếp chỉ đạo nhân viên.
Chúng tôi phải chờ một lúc mới được tiếp chuyện. Bà chủ kinh nghiệm ban đầu còn ngờ ngợ chúng tôi là người tới kiểm tra, dò hàng nên nói thẳng “không bán”. Thế nhưng, sau khi được ngỏ ý rằng sẽ mua số lượng lớn, bà nhiệt tình tư vấn hết loại này tới hãng khác. Vô vàn các thùng bánh với những cái tên ngờ ngợ, nửa lạ nửa quen.
Những cái tên này na ná các thương hiệu lớn, tuy nhiên, lại được viết lệch đi hoặc thêm bớt một hai từ gây nhiễu, hiểu lầm cho người mua. Chẳng hạn, thương hiệu bánh trứng nổi tiếng Custas được “phù phép” thành Custasd, Custar; bên cạnh đó còn hàng loạt các thương hiệu khác cũng bị đạo nhái: trà xanh C1+ (đạo nhái của C2), Selitka (nhái của Solite), Choco. Vippie (nhái của Choco Pie)...
Chỉ vào một gói kẹo có bao bì giống sản phẩm nổi tiếng của thương hiệu Hải Hà, phóng viên dò hỏi: “Đây là kẹo của Hải Hà đúng không?”, người bán hàng cũng chẳng ngại ngùng trả lời: “Không, chỉ làm giống Hải Hà thôi. Mấy hàng này không phải hàng công ty mà là hàng của tư nhân người ta làm giống như thế”.
Được biết, ở La Phù, các kho hàng chủ yếu bán sản phẩm bánh kẹo do chính nơi đây sản xuất. Bên cạnh đó, còn nhập từ Nam Định, Thái Bình... Tất cả đều có điểm chung là do tư nhân sản xuất, mẫu mã bắt chước các thương hiệu lớn. Dù quảng cáo là sản xuất tại La Phù nhưng sau được yêu cầu chỉ tới nơi sản xuất, người bán hàng lờ đi, nói chuyện khác.
Không chỉ đạo nhái các thương hiệu, nhiều thùng kẹo còn bị chắp vá tên công ty và nơi sản xuất. Hạn sử dụng thì chỗ tỏ chỗ mờ, không hề rõ ràng. Những chiếc hộp, bao bì của các sản phẩm này được thiết kế giống hệt các thương hiệu nổi tiếng, chỉ có tên là được sửa lái đi. Nếu không để ý, người tiêu dùng sẽ rất dễ dàng bị đánh lừa thị giác.
“Thành phố không ai ăn, mang lên vùng sâu vùng xa tiêu thụ”
Những người ở La Phù ví “thủ phủ” bánh kẹo nơi đây là “miếng bánh mật ngọt lành” cho dân buôn vì giá cả “rẻ như cho”. Nhắc tới giá thành, chủ một kho hàng liến thoắng: “Bánh bông lan 145.000 đồng/thùng có 12 hộp to. Bánh trứng nhiều loại, có loại 160.000/thùng 16 hộp, có loại 190.000 đồng/thùng 12 hộp, loại 165.000 đồng/thùng 12 hộp, loại 265.000 đồng/thùng 12 hộp”. Sản phẩm kẹo “Hương cốm” được làm mẫu mã giống thương hiệu Hải Hà cũng có giá rẻ hơn nhiều, chỉ có 205.000 đồng/thùng 20 gói.
Dù vậy, ngay cả người thành thạo như chủ kho cũng không biết một hộp bánh có bao nhiêu chiếc vì “hàng tư nhân họ làm, lúc thêm lúc bớt không biết trước được”. Chỉ biết rằng, mỗi hộp bánh thường trên dưới 10 chiếc. Như vậy, chia trung bình thì mỗi hộp bánh có giá rơi vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng, mỗi chiếc bánh trứng hoặc bông lan có giá khoảng 800 đồng đến 1.200 đồng. Trong khi đó, các sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng được bán ra với giá 50.000 đồng trở lên. Chỉ tính sơ qua đã thấy các thương buôn sẽ “lời” to như thế nào khi bán hàng “dởm”.
Với giá thành như vậy, nguyên liệu để làm ra những sản phẩm và chất lượng của chúng thật khiến người ta đặt dấu chấm hỏi. Như hiểu được thắc mắc của phóng viên, chưa để chúng tôi hỏi, chủ kho đã trình bày: “Hàng này không ăn được. Thành phố cũng không ai ăn. Chỉ để mang lên vùng sâu vùng xa tiêu thụ thôi”.
Theo Lao động online