Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 97% so với chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy. Có 3 đơn vị cấp huyện là huyện Mỹ Xuyên, thị xã Ngã Năm và thị xã Vĩnh Châu đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 50% so với chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025 (6 huyện, thị xã).
Từ cuối năm 2023, tỉnh Sóc Trăng hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cù Lao Dung và huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tháng 5 vừa qua, Hội đồng thẩm định Trung ương đã tổ chức họp, xét công nhận huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Theo báo cáo, trong 3 năm (2021 - 2023), Sóc Trăng đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông, 20 cây cầu dài 496m với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 96% đường xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa, 83% đường ngõ, xóm sạch, 64% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa.
Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là 4,75%, hộ cận nghèo là 7,43%. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp nhận và hỗ trợ xây dựng 4.846 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 241,5 tỷ đồng.
Trong năm 2024, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu có thêm ít nhất 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện Châu Thành, Cù Lao Dung có quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; huyện Mỹ Xuyên hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Một hướng đi đang được tỉnh Sóc Trăng quan tâm, đẩy mạnh là nâng cấp, đầu tư phát triển nhiều điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững và nông thôn mới sẽ là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.
Sóc Trăng có lợi thế về thực địa trù phú, cảnh quan sông nước nhộn nhịp, môi trường sinh thái nông nghiệp phát triển và là nơi giao thoa giữa 3 nền văn hoá Kinh – Khmer – Hoa. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng...
Vì vậy, thời gian qua, Sóc Trăng triển khai xây dựng nhiều cụm du lịch cộng đồng trọng điểm. Bước đầu đã hình thành 3 cụm du lịch cộng đồng.
Đó là Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách triển khai mô hình khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Mô hình được xây dựng với các nội dung chính như: Đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tàu vận chuyển khách du lịch; đầu tư một số điểm dừng chân, điểm và bãi đỗ xe, xây dựng điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đồ lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, xây dựng hệ thống điện và nước sạch, nhà vệ sinh, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, điểm thu gom và xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe…
Cụm du lịch cộng đồng xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú gắn liền với không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ. Du khách có thể tham quan vườn cây ăn trái, chống xuồng thả lưới đánh bắt thủy sản cùng người dân... Cùng với đó, du khách sẽ có cơ hội khám phá thiên nhiên, tìm hiểu về quá trình lịch sử ở vùng đất này; hay cùng người dân thu hoạch nông sản và tự mang bán tại chợ nổi Ngã Năm, thị xã Ngã Năm.
Cụm du lịch cộng đồng Cù Lao Dung gắn liền với loại hình du lịch xanh khám phá thiên nhiên, lịch sử.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, Sóc Trăng đang nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.
Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường nông thôn, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch, phù hợp nhu cầu của khách du lịch nhưng đảm bảo hài hòa, gắn với đặc trưng văn hóa. Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch, tích cực góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp du lịch đến cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Các ngành liên quan và địa phương rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương.
Xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường; sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với Chương trình OCOP, mang thương hiệu của địa phương...
Quỳnh Nga