VietNamNet giới thiệu bài viết Du lịch Việt Nam kém đến mức nào? Nội dung bài là ý quan điểm của ông Đỗ Cao Bảo, Uỷ viên hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và lương thưởng trực thuộc HĐQT FPT.

-----------------

Nhiều người Việt Nam chúng ta thường cho rằng Việt Nam làm du lịch kém: Nào “du khách một đi không trở lại”, thiếu nụ cười ngay từ cửa khẩu, nạn chặt chém và chèo kéo du khách, không có gì vui chơi giải trí về đêm, vệ sinh không sạch sẽ, rác vứt bừa bãi, chẳng có gì để mua sắm, rồi thủ tục xin visa khó khăn, …

Khi nghe các lời chê trên, đa số người Việt chúng ta đều thấy chê trúng hết, chẳng sai chút nào. Nhưng thật bất ngờ, mới đây, nhà báo Philippines Danton Remoto có bài viết trên tờ The Manila Times lại khen du lịch Việt Nam hết lời.

"Việt Nam đã thành công trong việc đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, phục vụ cho nhiều sở thích khác nhau. Từ những con phố nhộn nhịp của Hà Nội và TP.HCM đến vẻ đẹp tĩnh lặng của Vịnh Hạ Long và nét quyến rũ về văn hóa của Hội An. Việt Nam mang đến nhiều trải nghiệm đa dạng.

Việt Nam cũng đã nâng cao vị thế trong ngành du lịch bằng cách cải thiện chất lượng dịch vụ, lòng hiếu khách và các tiêu chuẩn an toàn. Quốc gia này đã nuôi dưỡng văn hóa hiếu khách, đào tạo lực lượng lao động của mình để cung cấp những dịch vụ đặc biệt.

Nụ cười của chúng tôi (Philippines) là không đủ; Thái Lan cũng có. Văn hóa của chúng tôi là không đủ; Indonesia cũng có chúng. Và Việt Nam đã chứng minh rằng họ có cả nụ cười và văn hóa, cũng như cơ sở hạ tầng đảm bảo trải nghiệm an toàn và vui vẻ cho du khách.

Đây là một số lý do tại sao Việt Nam đã vươn lên thành một cường quốc du lịch, vượt xa Philippines”.

Có thể đọc xong, nhiều người vẫn cho rằng, lời khen từ một nhà báo Philippines "nhằm nhò gì, đừng có vội tự sướng, hãy nhìn vào Thái Lan, Singapore, Malaysia".

Vậy thì chúng ta nhìn vào số liệu du khách quốc tế của nhóm 12 quốc gia Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Australia, India, UAE, Ai Cập, Nam Phi, những quốc gia cũng nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch để xem Việt Nam nằm ở đâu trong bức tranh du lịch toàn cầu.

Bảng số liệu này tôi đã tự lập dựa theo dữ liệu khách du lịch của mỗi quốc gia trên Wikipedia (Tourism in Thailand, Tourism in Singapore…). Số liệu của Việt Nam trên Wikipedia hoàn toàn trùng khớp với số liệu của Tổng cục du lịch Việt Nam công bố.

Bảng thống kê lượng du khách quốc tế tới 12 quốc gia từ 2010-2019

Theo số liệu thống kê về số lượng du khách quốc tế đến hàng năm, quả thật, Việt Nam thua rất xa Thái Lan, thua khá xa Malaysia, xấp xỉ Singapore, thế nhưng lại hơn hẳn Hàn Quốc, Đài Loan, Ai Cập, Nam Phi, Indonesia, hơn rất xa Ấn Độ, Australia, Philippines.

Ai Cập với những kim tự tháp cùng ngọn hải đăng Alexandra nổi tiếng, Nam Phi với những thành phố mang dáng dấp châu Âu, những cánh rừng nguyên sinh với động vật hoang dã phong phú, Hàn Quốc xử sở của kim chi và K-pop nổi tiếng toàn thế giới, Ấn Độ quê hương của Phật giáo, Indonesia xứ sở vạn đảo... Toàn những địa danh nổi tiếng hấp dẫn du khách quốc tế, thế mà số du khách quốc tế năm 2019 (trước đại dịch COVID-19) của họ vẫn ít hơn Việt Nam. Vậy thật không hợp lý khi cho rằng Việt Nam làm du lịch kém.

Malaysia, năm 2019 có đến 26 triệu du khách quốc tế, trong khi Việt Nam chỉ có 18 triệu. Thế nhưng, phân tích kỹ thì có đến hơn 10 triệu là du khách Singapore (gấp gần 2 lần dân số Singapore) và hơn 1,2 triệu du khách Brunei (gấp gần 3 lần dân số Brunei) đến Malaysia bằng đường bộ.

Trong số du khách Singapore đi đường bộ đến Malaysia thì có khá nhiều người Singapore chọn làm việc ở Singapore nhưng sinh sống ở Malaysia (ngay bên kia biên giới). Với cách này, họ được sống trong những biệt thự thay vì ở chung cư. Những cư dân Singapore này đi về hàng ngày giữa Singapore và Malaysia, mỗi người một năm tính thành 300 lượt du khách quốc tế. Chưa hết, vì Singapore chỉ là một thành phố thế nên có khá đông người Singapore chọn đi sang Malaysia cuối tuần giống như người Hà Nội đi nghỉ cuối tuần ở Tam Đảo, Ba Vì, Hạ Long vậy.

Như vậy, nếu trừ số du khách Singapore và Brunei đặc biệt kể trên đi thì số du khách quốc tế thực sự đến Malaysia không nhiều hơn Việt Nam.

Tóm lại, tính theo số du khách quốc tế đến năm 2019 (trước đại dịch COVID-19), trong số các quốc gia Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Ấn Độ, Châu Phi, Úc Châu thì Việt Nam chúng ta chỉ kém Thái Lan (Tất nhiên không thể so sánh với các cường quốc du lịch cùng khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản).

Khách quốc tế trải nghiệm phố đêm Tạ Hiện tại Hà Nội

Về tỉ lệ tăng trưởng du khách quốc tế trong 10 năm (2010-2019), Việt Nam chúng ta có tốc độ tăng trưởng lên đến 257,62%, cao nhất trong 12 quốc gia nghiên cứu, cao hơn cả Thái Lan (149,73%). Về lượng khách quốc tế, Việt Nam từ vị trí số 11/12 năm 2010 tiến lên vị trí số 4/12 vào năm 2019.

Biểu đồ so sánh mức tăng trưởng du khách quốc tế của 8 quốc gia

Riêng về câu chuyện “du khách một đi không trở lại” mà kênh truyền thông chia sẻ, theo tôi cũng không chính xác. Theo thống kê của Tổng cục du lịch, số du khách quốc tế quay trở lại năm 2014 là 33% và gần 40% năm 2019. 

Tất nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm dở, cần làm tốt hơn nữa, cần có dịch vụ tốt hơn, thân thiện với du khách hơn, chính sách visa cần cởi mở hơn, các sản phẩm du lịch cần phong phú hơn (đặc biệt là phát triển thêm du lịch chữa bệnh, du lịch trải nghiệm thiên nhiên). Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta tự hạ thấp sức hấp dẫn của Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Điều rất đơn giản là nếu chúng ta không yêu, không tự hào về vẻ đẹp của đất nước mình, không tự tin vào sức hấp dẫn của du lịch Việt thì làm sao chúng ta có thể làm du lịch tốt được.

Đỗ Cao Bảo