Ngay sau khi du lịch được mở lại, Tổng cục Du lịch đã tập trung đẩy mạnh chương trình truyền thông với chủ đề “Live fully in Vietnam” để thu hút khách quốc tế và chương trình “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” để thúc đẩy thị trường nội địa. Tổng cục Du lịch đã chủ trì, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức hàng loạt sự kiện để khởi động lại hoạt động du lịch trên toàn quốc.

Một trong những dấu ấn nổi bật trong năm 2022 là việc toàn ngành triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số với sự đồng hành, dẫn dắt của Tổng cục Du lịch. Hệ sinh thái du lịch thông minh đã được hình thành trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch như hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch. Đồng thời, Tổng cục Du lịch đã triển khai các chương trình hỗ trợ hướng dẫn chuyển đổi số tại nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Giang, Khánh Hòa, Sơn La, Cần Thơ, Kiên Giang, Gia Lai… đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tháo gỡ “nút thắt” cho các địa phương trong quá trình chuyển đổi số du lịch.

Công tác truyền thông quảng bá du lịch trên các website và mạng xã hội của Tổng cục Du lịch được tập trung đẩy mạnh. Đặc biệt, với cách làm mới mẻ và hiệu quả, Chương trình truyền thông du lịch trên YouTube với chủ đề “Việt Nam: Đi Để Yêu!” của Tổng cục Du lịch vinh dự được trao giải Nhì tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 8 - giải thưởng uy tín do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Với những nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài theo chủ đề “Live fully in Vietnam”, website vietnam.travel của Tổng cục Du lịch tăng hạng mạnh trên thế giới. Theo số liệu từ chuyên trang similarweb.com, tháng 10/2022 website vietnam.travel xếp hạng 152 nghìn trên toàn cầu, tăng 423 nghìn bậc so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng hạng này cao vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Nhờ có sự quyết liệt hành động của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và sự hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội, hoạt động du lịch đã có sự phục hồi tích cực.

Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa năm 2022 đạt trên 100 triệu lượt, vượt xa mục tiêu cả năm 2022 và cao hơn cả năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Điểm sáng này cho thấy chủ trương đúng đắn của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy thị trường nội địa làm động lực cho sự phục hồi ngành du lịch. Lượng khách du lịch quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, đang từng bước nỗ lực phục hồi trong bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch châu Á, nhiều thị trường nguồn lớn vẫn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế.

Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Văn Thường, Duy Linh, Thu Huyền