Sáng 26/3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo Quảng Nam phát triển Du lịch Xanh – Gìn giữ giá trị bản địa và công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhìn nhận, những giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi; đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh...là những giải pháp kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững...

Theo Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn, việc phát triển du lịch cần theo hướng tăng trưởng xanh.

“Đây là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, ông Tuấn nói.

{keywords}
Ban tổ chức công bố bộ tiêu chí du lịch xanh

Ông Tuấn cũng đưa ra ví dụ cụ thể về quốc đảo Maldives với khoảng 1.192 đảo nhỏ, dân số chưa đầy 500.000 người. Du lịch là ngành kinh tế lớn nhất và là ngành mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất với hơn 60% trao đổi ngoại hối và đóng góp khoảng 23,9% vào GDP của Maldives. Hơn 90% thuế là từ các khoản thuế nhập khẩu và du lịch. Ở đây, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh gắn với gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và bảo tồn sinh vật biển.

Ông Tuấn thông tin: “Chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh của Maldives được thể hiện ở các quy định cụ thể về sức chứa môi trường với việc kiểm soát môi trường xây dựng và đảm bảo an sinh cho người lao động trong ngành du lịch”.

Các cơ sở lưu trú đều phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; các resort trên đảo có diện tích xây dựng không quá 30%; thực hiện các khu vực phân khu chức năng bảo tồn sinh thái; tất cả bungalow có mặt tiền hướng biển với chiều dài 5m; không công trình nào được cao hơn ngọn dừa; phải để không gian mở trên đảo bằng diện tích công trình trên mặt nước; phải trang bị cơ sở vật chất cho nhân viên đầy đủ, số lượng nhân viên làm việc tại resort là công dân Maldives bắt buộc phải lớn hơn 45% tổng số nhân viên.

Cần tạo điều kiện thông thoáng 

Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, định hướng của tỉnh sẽ xây dựng tính trở thành một trung tâm du lịch của cả nước và tiến đến quốc tế, định hướng ngành du lịch trở thành mũi nhọn với mục tiêu trung tâm du lịch xanh.

{keywords}
Quảng Nam là địa phương đầu tiên công bố bộ tiêu chí du lịch xanh

“Để phát triển thành công ngành du lịch cần 3 nhà cần song hành cùng nhau, thứ nhất là nhà nước, nhà nước là “bà đỡ”, phải ban hành cơ chế chính sách để mời gọi tạo điều kiện.

Thứ 2 là nhà đầu tư, phải có nhà đầu tư để biến những ý tưởng, những cơ chế chính sách thành những sản phẩm.

Thứ 3 là cộng đồng nhân dân cùng tham gia trực tiếp làm du lịch, chia sẻ những giá trị bản địa, và cùng chia sẻ những hưởng lợi trong triển khai du lịch”, ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về du lịch, các ban, ngành đã tham mưu cho tỉnh để kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ban, ngành phải có những cơ chế cụ thể. Đơn cử như giảm, miễn thuế, và tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục.

Đồng thời, xem các dự án đầu tư của khối doanh nghiệp du lịch cũng như các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, để được hưởng những chính sách ưu đãi như nhau, được giảm, miễn cơ chế chính sách.

“Hiện nay vẫn còn vênh chính sách giữa các nhà đầu tư du lịch bên ngoài và các nhà đầu tư thương mại trong cụm công nghiệp…”, ông Hồng chia sẻ.

Sở tiếp tục cùng với ngành LĐ-TB&XH, rà soát lại lực lượng lao động, qua đó tham mưu cơ chế, đề xuất với Trung ương, bộ ngành để đào tạo lại, giúp bổ sung nguồn nhân lực trong ngành du lịch...

Công Sáng