Tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương diễn ra ngày 19/4, Bộ GD-ĐT cho biết Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu Chương trình phổ thông mới: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”. 

Thực hiện Nghị quyết này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Nghị quyết quy định: “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm). 

Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. 

Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Ở cấp tiểu học và cấp THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp THPT, yêu cầu học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ”. 

Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023. Ảnh: Chí Hùng

Bộ GD-ĐT cho biết đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. 

Trong Chương trình này, môn Lịch sử có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống.

Theo Bộ GD-ĐT, trong sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học, môn Lịch sử chương trình phổ thông mới được bố trí dạy như sau: Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nội dung Chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn). 

Bên cạnh đó, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương - do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến đến lớp 12. 

Bộ GD-ĐT cho rằng, với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.

Giáo dục lòng yêu nước không chỉ là “nhiệm vụ” của môn Lịch sử

Trả lời VietNamNet, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 - khẳng định: "Việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế". 

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết dựa theo Nghị quyết số 03 ngày 16/7/1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chương trình GDPT năm 2018 đã xác định 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. 

 GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Chương trình đã quy định 14 nội dung giáo dục, trong đó có nội dung giáo dục công dân, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh, nội dung giáo dục khoa học xã hội. Mỗi nội dung giáo dục nói trên đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi” – GS Thuyết thông tin. 

Cụ thể, theo quy định của Chương trình, “Giáo dục công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, nhận thức, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Giáo dục công dân được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là các môn khoa học xã hội và Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong đó Đạo đức (ở cấp tiểu học), Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông) là những môn học cốt lõi”.

“Giáo dục khoa học xã hội đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu.

Giáo dục khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục, trong đó các môn học cốt lõi là: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Lịch sử và Địa lí (từ lớp 4 đến lớp 9); Lịch sử, Địa lí (cấp trung học phổ thông)”.

“Giáo dục quốc phòng và an ninh bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản về quốc phòng và an ninh. 

Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện tích hợp trong nội dung các môn học và hoạt động giáo dục, bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, về lực lượng vũ trang nhân dân; có ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. 

Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường trung học phổ thông là môn học bắt buộc, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, theo vị Tổng chủ biên, lòng yêu nước còn được bồi dưỡng ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục khác, như: Tiếng Việt, Ngữ văn, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương... 

Nói riêng về chương trình Lịch sử, theo GS Thuyết, giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm. 

“Khi học xong cấp trung học cơ sở, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi” – GS Thuyết khẳng định.

Đối với cấp trung học phổ thông, theo GS Thuyết, Chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

“Theo yêu cầu chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học lựa chọn (nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật), trong đó mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học bên cạnh 7 môn học bắt buộc, những học sinh có định hướng nghề nghiệp khác vẫn có thể chọn học môn Lịch sử với các chủ đề học tập như đã quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông. 

Như vậy, có thể khẳng định là Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành” – GS Thuyết nhấn mạnh. 

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thêm rằng giải pháp dạy học phân hóa cũng đáp ứng yêu cầu giảm tải, giảm số môn học so với chương trình cũ - 12 môn so với 17 môn - tuy vẫn còn cao so với chương trình các nước (chương trình tú tài quốc tế IB là 6 môn, chương trình của Anh là 6 môn…) nhưng “Tôi tin chắc rằng đa số học sinh và phụ huynh học sinh sẽ thấu hiểu, đồng tình với giải pháp phân hóa mềm và giảm tải của Chương trình Giáo dục phổ thông mới”.

Ngân Anh – Lan Anh

Lịch thi chính thức vào lớp 10 công lập năm 2022 tại TP.HCM

Lịch thi chính thức vào lớp 10 công lập năm 2022 tại TP.HCM

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố lịch thi chính thức vào lớp 10 công lập năm 2022 tại TP.HCM.
Hà Nội dự kiến thi lớp 10 ngày 18-19/6

Hà Nội dự kiến thi lớp 10 ngày 18-19/6

Dự kiến, thời gian tổ chức kỳ thi lớp 10 Hà Nội trong hai ngày 18 và 19-6-2022. Gần 130.000 sĩ tử nhưng sẽ chỉ có 77.000 suất vào các trường THPT công lập.