- Xung quanh câu chuyện Trường ĐH FPT đưa nội dung "trinh tiết" vào đề thi tuyển sinh, nhiều độc giả nêu  ý kiến tranh luận về cách ra đề. Dưới đây là ý kiến của độc giả Lê Hà Bảo Lâm và Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy, Hà Nội).

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Đề thi của FPT chẳng có vấn đề gì cả. Nếu có, duy có câu: “Đã cho vào bậc Bố Kinh; Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu” - đó là câu nói của Kiều khi cảm thấy mặc cảm trước chàng Kim chứ. Nếu mọi người phê phán đề thi, thì chỉ có thể nói tác giả đề thi văn ít đọc văn.

Còn nội dung đề thi, bản thân tôi không thấy có vấn đề gì, vì trinh tiết được đề cập xuyên suốt trong văn học kim cổ, đặc biệt là văn học Việt, Trung Quốc. Thí sinh có thể vừa triển khai được một bài luận, vừa có thể minh chứng bằng các điển tích văn học, tục ngữ, ca dao, bằng cả những dẫn chứng trong đời thường, những mẩu truyện trên báo để có một bài văn vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa có tính lập luận.

Đó là một đề khó, nhưng khó thì mới khơi gợi được tư duy của thí sinh, khó thì khả năng phân loại mới cao. Đề thi văn truyền thống khiến thí sinh “phải thuộc” rất nhiều; những câu dẫn chứng, những đoạn thoại, những tác phẩm khác có liên quan, làm thí sinh không còn thời gian đọc những thông tin khác, nhìn nhận cuộc sống đời thường để liên hệ với văn học. Ví dụ phân tích hình tượng “Đất nước” trong tác phẩm đất nước của Nguyễn Đình Thi, thì thí sinh ít nhất phải thuộc cả bài thơ, thuộc cả bài “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, rồi những bài thơ về đất nước khác, muốn điểm cao hơn, thì cả hình ảnh đất nước trong thơ Chế Lan Viên, Tố Hữu…

Trong khi ôn thi, “nạp” những kiến thức đó, thí sinh liệu có thời gian để đọc báo, xem những tác phẩm điện ảnh, sân khấu, hội họa về đất nước, theo dõi thời sự đất nước để có thể đưa ra một cái nhìn mà theo tôi nó toàn diện hơn, nhân văn hơn.

Còn chữ “cái màng trinh” thì ông Đỗ Ngọc Thống đã “bắt lỗi” đề thi. Cái chữ ấy đặt khá xa phần thơ của thi hào Nguyễn Du nên chẳng có gì là phản mỹ cả. Hơn nữa “cái màng trinh” thì nó chỉ có cách gọi là “cái màng trinh” là khoa học nhất, dễ hiểu nhất; chẳng nhẽ lại gọi là “chiếc”; chẳng nhẽ gọi tránh đi thành từ khác. Nếu ai nói chữ “cái màng trinh” mà thấy đỏ mặt, xấu hổ, thì có lẽ, Nho giáo vẫn còn khá nặng trong con người đó.

Độc giả Nguyễn Trọng Sáng, Hà Nội: "Người ra đề thi đang lệch lạc..."

Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết và PGS-TS Đỗ Ngọc Thống. Đề văn “trinh tiết” của FPT thật thô tục, không còn gì để nói. Đúng là kì quặc, người ta đang lệch lạc, đang nhảy sang một thái cực khác, cho là phải ra đề như thế. Như thế mới hiện đại, mới cách tân, đổi mới?

Tôi cho rằng đề thi này không có gì lạ. Ở lứa tuổi 18 thì chuyện học vẫn là quan trọng nhất. Đây đâu phải tuổi biết suy ngẫm về “trinh tiết” và chuyện lấy vợ lấy chồng.

Là một phụ huynh, tôi xin các ngài “sáng tạo” đừng làm khổ, làm hỏng con cái chúng tôi. Hãy cho chúng viết những bài văn “mở” mà gần gũi, vừa khơi gợi trí sáng tạo vừa nâng tâm hồn, trí tuệ của chúng.

*************
Mời độc giả quan tâm gửi thảo luận theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn.