Sơn La là một tỉnh miền núi, địa bàn vùng nông thôn chiếm 80% diện tích, dân số nông thôn chiếm hơn 89%, trong đó, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Có diện tích lớn nhất Bắc Bộ, Sơn La là tỉnh có địa hình bị chia cắt mạnh, sông suối nhiều, lắm thác ghềnh với những dãy núi cao vắt ngang chắn các lối giao thông, chính vì thế nơi đây có rất nhiều đèo nổi tiếng như Pha Đin, Lũng Lô, Tà Xùa…

Cùng chung thực trạng với các vùng sâu vùng xa khác của đất nước, người dân tộc thiểu số ở Sơn La trước đây chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt chủ yếu dẫn từ suối, ao hồ, khe núi, giếng đào và nước mưa, chất lượng nước không được kiểm tra đảm bảo. Dựa hoàn toàn vào thiên nhiên nên nguồn nước của bà con lúc có lúc không. Về mùa khô, lượng mưa ít nên các dòng chảy thường xuyên hết nước, người dân thiếu nước trầm trọng. Đôi khi họ phải đi hơn một ngày trời, hứng từng giọt nước nhưng vẫn không đủ dùng cho sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. 

Mang niềm vui và sức khỏe về với bản

Đảm bảo đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chính là một trong những mục tiêu của chương trình quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Từ nguồn vốn của chương trình, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều công trình cung cấp nước sinh hoạt hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc được tiếp cận với nguồn nước đảm bảo, môi trường sống được cải thiện, thay đổi dần tập quán lạc hậu của nông thôn miền núi về sử dụng nước, chăn nuôi và vệ sinh làng, bản.

Công trình nước sinh hoạt của bản Huổi Sang, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp được xây mới vừa đưa vào sử dụng, hơn 20 hộ, với 115 nhân khẩu đã có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 510 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đầu năm nay, công trình cấp nước liên bản xã Chiềng Mai, có tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng được khởi công, đến nay đã hoàn thành hơn 50%, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.100 hộ của các bản Vựt Bon, Cơi Quỳnh, Cuộm Sơn, Dăm Hoa, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt của xã lên trên 95%.

Còn tại huyện Phù Yên, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã đầu tư thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho 425 hộ; đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho trên 1.000 hộ dân tại các bản Bãi Vàng, xã Đá Đỏ; Đồng Mã, xã Tân Phong; Thượng Lang, xã Mường Lang và Khe Lành, xã Mường Thải.

W-d226n-toc-thieu-so.jpg
Nước sạch góp phần thay đổi cuộc sống của người Xinh Mun ở Sơn La. 

Không chỉ là nước sạch

Những thay đổi này là nhờ vào sự sát sao và quyết tâm, đồng lòng của các cấp chính quyền cũng như người dân Sơn La. Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh đã triển khai nhiều nhóm nghiên cứu, đưa ra cơ sở khoa học đánh giá sự phân bố, tiềm năng của các nguồn nước, ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường đến tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp nhất cho từng khu vực dân cư. Tỉnh triển khai xây dựng công trình cấp nước các loại, ưu tiên những nơi khó khăn. 

Được sử dụng nước hợp vệ sinh, người dân ai cũng mừng, vì nước về đến tận sân nhà, không chỉ sạch mà còn đủ để phục vụ bà con ăn, uống, tắm giặt… 

Không chỉ là niềm vui của đồng bào dân tộc thiểu số khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng, nước sạch còn là điều kiện tiên quyết để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. 

Sơn La là tỉnh có 39 dân tộc anh em cùng cư trú nên có sự đa dạng về văn hoá truyền thống, đời sống, tập tục. Mỗi dân tộc đều có những lễ hội và nét văn hóa đặc sắc riêng. Bên cạnh đó thiên nhiên còn tạo tác cho Sơn La nhiều khu danh thắng đẹp, rất thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, dã ngoại và khám phá. 

Bản Lướt là bản du lịch cộng đồng trọng điểm của xã Ngọc Chiến. Công trình nước sinh hoạt tập trung được khánh thành đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển du lịch của bản.

Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2025, có 98,02% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV