“Đừng đặt niềm tin của bạn vào sự an toàn từ thực phẩm của Trung Quốc” - đó là lời cảnh báo của Tập đoàn công nghệ Baidu (Bách Độ), Trung Quốc khi ngày càng có thêm nhiều vụ bê bối thực phẩm bẩn quy mô lớn với thủ đoạn tinh vi xảy ra ở nước này. Ý tưởng phát minh những đôi đũa thông minh có khả năng phát hiện thực phẩm bẩn đã được Bách Độ triển khai nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Trò đùa “Cá tháng Tư”
Lần đầu tiên, Tập đoàn Bách Độ giới thiệu một video ý tưởng về việc chế tạo những đôi đũa thông minh có tên Baidu Kuaisou vào ngày đầu tháng 4-2014. Sau đó, clip trên được truyền đi khắp trên các trang mạng của Trung Quốc và người dân nước này đưa ra những câu ví von trước ý tưởng của các nhà khoa học của Bách Độ như một trò đùa Cá tháng Tư, bởi những vụ bê bối thực phẩm ở Trung Quốc hầu như xảy ra liên tục và không có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, số người ủng hộ ý tưởng này của Bách Độ cũng không hề nhỏ. Do đó họ đã rất nghiêm túc bước vào việc nghiên cứu và cho ra mắt những đôi đũa thông minh, có trang bị những bộ phận cảm ứng giúp phát hiện những độc tố trong thực phẩm, thức ăn, đồ uống.
CEO Robin Li và đôi đũa thông minh Baidu Kuaisou |
Tại hội nghị công nghệ hàng năm của Tập đoàn Bách Độ, Giám đốc điều hành Robin Li đã giới thiệu ngắn gọn về sản phẩm mới này chỉ trong vài từ: “một cách mới để cảm nhận thế giới”. Đây là cách nói ẩn dụ bởi ẩm thực Trung Hoa rất phong phú, nhưng nó đã bị thương mại hóa nhằm mục đích trục lợi bất chấp nguy cơ sức khỏe của cộng đồng.
Thoạt nhìn, đôi đũa điện tử này rất thanh mảnh như một đôi đũa thông thường, nhưng được trang bị rất nhiều thiết bị cảm ứng. Khi thử nghiệm, các nhà khoa học của Bách Độ đã cho nhúng vào 3 tô dầu ăn khác nhau. Sau đó, đôi đũa sẽ tự động phân tích thành phần cấu tạo của loại dầu ăn đựng trong 3 tô trên rồi kết nối với điện thoại thông minh. Lúc này, trên điện thoại sẽ hiển thị những thông tin dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt nó chỉ rõ hàm lượng độc tố cho phép trong thức ăn đó là bao nhiêu và hàm lượng độc tố vượt ngưỡng là bao nhiêu. Nếu dầu ăn có độc tố, đèn tín hiệu trong đôi đũa sẽ báo hiệu nhấp nháy màu đỏ.
Ngoài ra, ông Li còn cho biết đôi đũa có thể phát hiện được độ tinh khiết của dầu ăn bằng cách đo lường những chỉ số như độ pH và nhiệt độ sôi. “Thậm chí trong tương lai, bạn có thể biết được nguồn gốc xuất xứ của dầu ăn, nước uống và các loại thực phẩm khác, cho dù nó đã bị hỏng hoặc các thành phần dinh dưỡng có chứa trong thức ăn” - CEO Li nói.
“Nếu dùng nó, tôi sẽ chết đói”
Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới (khoảng 1,37 tỷ người), cũng chính là nơi tiềm năng nhất cho những kẻ muốn làm giàu bằng con đường kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bẩn. Những vụ bê bối về thực phẩm bẩn ở nước này không ngừng gia tăng khiến không chỉ nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn nó còn đe dọa sức khỏe của cả người dân Trung Quốc và nhiều quốc gia khác có nhập khẩu thực phẩm từ các công ty Trung Quốc.
Vụ bê bối sữa Trung Quốc năm 2008 là một điển hình về an toàn thực phẩm ở nước này, trong đó có sữa và các sản phẩm sữa trẻ em bị nhiễm độc hóa chất melamine. Hậu quả của nó đã khiến 6 trẻ em tử vong, hơn 53.000 trẻ em bị bệnh, hơn 12.800 trẻ phải nhập viện vì sỏi thận và suy thận. Nhà chức trách Trung Quốc đã xử lý 22 công ty Trung Quốc có liên quan đến vụ bê bối sữa này. “Dầu cống rãnh” cũng là một trong những scandal lớn về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Những kẻ vô lương đã lấy dầu ăn từ các chất thải hoặc thức ăn thừa ở cống rãnh rồi “chiết lọc” và bán lại cho các nhà hàng, quán ăn đường phố.
Thực tế, thực phẩm nhiễm độc, nhiễm bẩn hàng ngày vẫn hiện diện trên khắp đất nước Trung Quốc và hầu như ngày nào truyền thông nước này cũng có những tin liên quan đến vấn đề này. Trong khoảng 1 thập niên gần đây, Trung Quốc đã xảy ra 35 vụ bê bối thực phẩm chấn động toàn cầu, trong đó có vụ như 50 tấn thịt cừu giả chứa chất phụ gia, thịt ôi thiu “dập lại date”, bánh bao nhôm, trứng nhuộm màu bằng hóa chất, giá đỗ dùng chất kích thích… Tuy nhiên, vụ việc không dừng lại ở đó mà các công ty này còn xuất sang các quốc gia láng giềng.
Sau hàng loạt những vụ bê bối thực phẩm bẩn xảy ra, nhà chức trách Trung Quốc đã phát động chiến dịch càn quét các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn trên toàn quốc vào tháng 4-2014. Qua đó, hơn 6 triệu cơ sở bị điều tra, gần 5.000 cơ sở bị đóng cửa, cảnh sát cũng bắt giữ gần 2.000 người liên quan.
Hiện tại, đũa Baidu Kuaisou đã được Tập đoàn Bách Độ sản xuất hàng mẫu và chào bán. Trên các trang mạng xã hội tại nước này, phát minh trên được chào đón rất nồng nhiệt, bởi họ cho rằng đó là giải pháp an toàn trước những nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng khi sử dụng thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, “nếu mang đôi đũa này đi ăn ở mọi nơi thì có thể sẽ bị chết đói”, vì thức ăn bẩn đang tràn ngập các con phố, nhà hàng, các chợ tại Trung Quốc.
Theo ANTĐ/Dailymail/WJS/ Chinadaily