Đưa AI vào lĩnh vực giáo dục
Với bài trình bày về “Ứng dụng AI trong Ngôn ngữ học và Giáo dục", PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học Tính toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, đối với tiếng Việt, bên cạnh ngữ âm còn có thanh điệu nên sẽ khó học với những người dùng ngôn ngữ mẹ đẻ không có thanh điệu. Điều đó đặt ra vấn đề, để xây dựng mô hình AI dạy tiếng Việt, nhóm kỹ sư cần lập danh sách từ vựng và xếp hạng chúng theo độ thông dụng. Sau đó, họ sẽ ‘dạy’ máy móc cách nhận diện từ, cụm từ và phân biệt loại từ. Điều này cũng có thể áp dụng để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Ông tin rằng hệ thống nhận diện độ khó ngôn ngữ sẽ là trợ thủ đắc lực cho bộ phận biên soạn sách giáo khoa, đặc biệt với cấp tiểu học. Các hoạt động viết tài liệu hay biên soạn từ điển cũng trở nên dễ dàng hơn nhờ trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, để làm được điều này, đội ngũ phát triển cần tập trung xây dựng kho ngữ liệu phong phú.
PGS.TS Đinh Điền cũng nhấn mạnh AI nhận diện ngôn ngữ nên được phát triển ở cả dạng văn bản lẫn giọng nói để tăng cường hiệu quả khi ứng dụng trong lĩnh vực ngôn ngữ và giáo dục.
Ứng dụng AI để phân tích gen người và quá trình xử lý ung thư
Thực tế ứng dụng AI vào phân tích gen người đã được một số startup ở Việt Nam triển khai, trong đó có thể kể đến Genetica, chuyên cung cấp giải pháp phân tích gen qua nước bọt. Công ty này đã ứng dụng cả Trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới là Blockchain trong giải pháp của mình.
Và theo tiến sĩ Sơn Phạm, Giám đốc điều hành BioTurin, ở lĩnh vực y học, AI có thể “đọc” trình tự bộ gen người, cũng như ứng dụng vào quá trình xử lý ung thư.
“Theo tôi, cơ thể chúng ta chính là một vũ trụ đặc biệt. Và nhờ có AI, những bí ẩn của vũ trụ này sẽ được khám phá”, ông khẳng định.
Mỗi con người có 37 nghìn tỷ tế bào. CEO BioTuring tin rằng AI có thể được ứng dụng nhận biết từng tế bào, sau đó phân loại, phân tích cách tương tác cũng như nhận biết tế bào có khả năng gây bệnh. Với ứng dụng trên, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các nhà khoa học phân tích các loại tế bào mới, lập bản đồ hệ thống tế bào trong mỗi con người, từ đó so sánh sự khác biệt giữa người khỏe mạnh và người bệnh.
Đưa AI vào đời thực
Trợ lý ảo Kiki là một trong những trợ lý ảo đầu tiên được tạo ra từ công nghệ trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào đời thực, thông qua tích hợp trên các xe hơi.
Sau 2 năm kể từ ngày ra mắt, Kiki Auto, trợ lý tiếng nói cho xe hơi, đã được tích hợp trên 18 hãng màn hình xe hơi thông minh. Tính tới tháng 11/2022, ứng dụng đã hoạt động trên 200.000 thiết bị, thực hiện hơn 125.000 tác vụ/ngày.
Theo ông Nguyễn Hoàng Khánh Duy, quản lý sản phẩm dự án Kiki, đội ngũ ban đầu đã gặp khó khăn khi vốn từ ban đầu của Kiki là các bài hát từ Zing MP3, nên đã phải làm việc rất nhiều. Đáng chú ý đội phát triển sản phẩm đã thu thập các địa danh trên cả nước. Với 350.000 kết quả được tập hợp, để Kiki đã có thể ‘hiểu’ hơn về nhu cầu của người dùng khi lái xe.
Tuy nhiên, ứng dụng vẫn khá bối rối để phân biệt yêu cầu dẫn đường hay mở nhạc. Bởi một số tên địa điểm có nét tương đồng trong phát âm với các bài hát trong kho dữ liệu.
Ngoài ra, Kiki thường dừng nhận lệnh trong trường hợp người dùng có dòng lệnh dài, hoặc đứt quãng Nhằm hạn chế bất tiện này, nhóm phát triển ứng dụng đã tích hợp module nhận diện giọng nói (Voice Activity Detection - VAD), kết hợp phân tích bối cảnh để nhận biết thời điểm hoàn thành nhận lệnh.
Một giải pháp AI được Zalo phát triển và đưa vào đời thực nữa là giải pháp xác thực danh tính eKYC. Theo ông Châu Thành Đức, Giám đốc Khoa học Dữ liệu Zalo AI, chịu trách nhiệm phát triển các sản phẩm “AI-first” (ưu tiên cho AI), hiện có 5 ngân hàng và tổ chức tài chính sử dụng eKYC, với 30.000 lượt xác thực danh tính mỗi ngày.
Trong quá trình đối chiếu hình ảnh, đội ngũ phát triển nhanh chóng xác định được nhiều vấn đề. Chẳng hạn, ảnh bị mờ, chói sáng thông tin quan trọng, người dùng cố tình sử dụng ảnh từ Internet… Không dừng lại ở đó, một số trường hợp như chấn thương hay phẫu thuật chuyển giới.
“Lúc này, giải pháp duy nhất để đảm bảo tính chính xác là kiểm tra thủ công. Bởi chúng tôi tin rằng, AI được tạo ra để hỗ trợ, chứ không phải để thay thế con người hoàn toàn. Ngoài ra, tôi cũng muốn mọi người hiểu rằng ‘chặng cuối’ để đưa AI vào đời thực có thể sẽ rất dài, thậm chí không có hồi kết. Quan trọng hơn cả, người làm công nghệ cần hoàn thiện sản phẩm thông qua”, ông Đức cho biết.