Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP); thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng cơ sở chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Để phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đồng thời là giải pháp hiệu quả phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PGS, TS. Nguyễn Đắc Hưng,Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho rằng, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ:
Một là, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cụ thể với các bộ, ngành liên quan tập trung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.
Trong đó, cần tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, ngày 22-11-2012, “Về thanh toán không dùng tiền mặt”; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (fintech sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ mobile money.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai có hiệu quả chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan và tổ chức trực thuộc gương mẫu thực hiện nghiêm túc các biện pháp Chính phủ yêu cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực: Đăng kiểm phương tiện cơ giới, các bệnh viện, trường học, dịch vụ công khác; kiểm tra và siết chặt việc thanh toán thẻ tại các điểm bán xăng dầu, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại.
Hai là, ngành ngân hàng có chiến lược cụ thể tiếp tục đầu tư nguồn lực cho phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật... Ngành ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Ngoài việc thanh toán bảo đảm tiện lợi, thanh toán cần phải an toàn, minh bạch. Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và theo sát tình hình, cụ thể hóa hoạt động thanh toán phải bảo đảm an toàn. Ngành ngân hàng cần tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động đúng quy định của pháp luật, thông suốt, an toàn.
Ba là, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cho phép ngành ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học, qua đó, hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phối hợp mở rộng sử dụng hóa đơn diện tử, chữ ký điện tử, giao dịch thương mại điện tử.
Bốn là, các ngân hàng thương mại cần chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ưu tiên kỹ thuật số, hoặc theo mô hình tương tác gắn kết đa kênh tích hợp xoay quanh triển khai nhanh gọn, linh hoạt công nghệ trí tuệ nhân tạo và năng lực máy học. Các ngân hàng thương mại cần tạo khác biệt cho bản đề xuất giá trị số của mình so với các sản phẩm dịch vụ hiện có, tập trung nỗ lực để giành được khả năng tiếp cận đến hệ sinh thái khách hàng rộng lớn nhằm mở rộng quy mô nhanh chóng và nắm bắt giao dịch và số dư của khách hàng với tư cách ngân hàng chủ đạo của họ.
Hồng Hạnh (lược trích), Minh Hưng, Đăng Tấn, Việt Dũng, Hà Sơn