Tại huyện Đức Hoà (Long An), chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn 0,21%. Đến năm 2024, huyện còn 242 hộ nghèo, chiếm 0,24%.
Thực hiện mục tiêu này, huyện tập trung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, lao động nghèo bằng các hình thức đa dạng hoá sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... Theo kết quả mới nhất, hết năm 2024, huyện còn 222 hộ nghèo (chiếm 0,22%) và 769 hộ cận nghèo (0,76%).
Cuối tháng 11, UBND xã Hoà Khánh Nam (huyện Đức Hoà) tiến hành bàn giao bò sinh sản cho 6 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khuyết tật có sinh kế không ổn định. Đây là hoạt động nằm trong Dự án Đa dạng hoá sinh kế, phát triển giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024.
Dự án được triển khai trong thời gian 18 tháng. Các hộ được hỗ trợ mua 12 con giống là bò lai Sind, Angus, Charolais... khoảng 15 tháng tuổi. Nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ là hơn 180 triệu đồng. Trước khi nhận bò giống, các hộ đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại và xử lý một số bệnh thường gặp. Sau khi nhận con giống, chăm sóc bò giống cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y, để bò phát triển, sinh sản tốt.
Thực hiện dự án nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho các hộ thụ hưởng. Thực tế, tại huyện Đức Hoà, nhiều mô hình phát triển kinh tế phát huy hiệu quả, giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Tại xã Lộc Giang, gia đình chị Nguyễn Hoàng (39 tuổi, ở ấp Lộc Thuận) vốn là hộ cận nghèo. Cuộc sống khó khăn càng thêm vất vả khi chồng chị mất sớm. Không cam chịu an phận với nghèo đói, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chị hiểu để thoát nghèo rất cần ý chí, tinh thần vươn lên của chính bản thân mình.
Chị Hoàng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn 20 triệu đồng để mua 2 con bò giống và làm chuồng trại. Bò sinh sản lứa đầu đã mang lại lợi nhuận. Nhận thấy chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, chị tiếp tục vay 50 triệu đồng mua 100 gà con, mở rộng chuồng trại chăn nuôi.
Mỗi năm, chị Hoàng nuôi 2 lứa gà thịt, mỗi lứa từ 100-200 con, bán giá từ 80.000-100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trung bình chị thu lợi nhuận từ 8-10 triệu đồng/lứa. Hiện, chị vẫn duy trì nuôi 2 con bò giống và 2 lứa gà thịt. Vậy là từ nguồn hỗ trợ ban đầu cho hộ cận nghèo, chị đã xây dựng nguồn sinh kế vững vàng, tạo thu nhập ổn định lo cho gia đình và các con học tập.
Không chỉ chị Hoàng, tại xã Lộc Giang, nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền, với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng các mô hình, chính sách phù hợp, hiệu quả, không ít hộ dân tại đây được tiếp cận nguồn sinh kế bền vững, vươn lên thoát nghèo.
Trong khi đó, để tạo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và vươn lên thoát nghèo, Hội Nông dân huyện Đức Hòa triển khai hoạt động hỗ trợ cho hội viên vay vốn. Ngày 5/12, Hội Nông dân huyện Đức Hòa tổ chức giải ngân Dự án “Nuôi bò sinh sản” với số vốn 490 triệu đồng cho 10 hội viên nông dân xã Mỹ Hạnh Bắc. Mỗi hội viên được vay 49 triệu đồng đầu tư phát triển chăn nuôi bò, lãi suất mỗi tháng là 0,7%; thời gian thực hiện là 36 tháng sẽ hoàn vốn cho dự án.
Sau thời gian giải ngân, Hội Nông dân huyện, xã sẽ phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, nhằm giúp nông thực hiện dự án đạt kết quả cao, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nhìn nhận đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là việc trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn tạo cơ hội để họ vươn lên thoát nghèo, huyện Đức Hoà tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm. Hiện lao động qua đào tạo ở huyện đạt 88,3% (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là 90%), trong đó, qua đào tạo nghề đạt 63,5%.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mới đây, Hội Nông dân huyện Đức Hoà phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Long An tổ chức các lớp đào tạo nghề trồng rau, trồng lúa ứng dụng công nghệ cao cho lao động nông thôn tại thị trấn Hiệp Hoà và xã An Ninh Tây.
Lớp trồng rau ứng dụng công nghệ cao đã giúp học viên biết cách lựa chọn giống rau, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, biết được quy trình trồng rau theo Vietgap, cách lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, thông minh cho cây rau ăn lá và ăn trái. Đặc biệt học viên còn được thực hành trồng rau mầm, thu hoạch ngay tại lớp đạt 100%. Kết thúc lớp học có 22 học viên được cấp chứng chỉ nghề.