Trong một cuộc phỏng vấn mới công bố trên tạp chí Bild am Sonntag, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói, châu Âu và Mỹ có “cách tiếp cận khác nhau” về vấn đề Iran và thỏa thuận hạt nhân quốc tế có tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đã ký Tehran năm 2015.

{keywords}
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Ảnh: DW

Ông Mass cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhất quyết theo đuổi chính sách ngoại giao nhằm tránh làm leo thang hơn nữa các căng thẳng ở Trung Đông.

"Mặc dù Mỹ đã đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân và áp đặt chiến dịch gây áp lực tối đa (với Tehran) nhưng chúng tôi muốn đạt tiến triển thông qua đàm phán. Anh, Pháp và Đức muốn duy trì thỏa thuận để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân", nhà ngoại giao hàng đầu Đức nói.

Ông Maas cho rằng, các lời đe dọa và hành động quân sự sẽ không có tác dụng làm thay đổi hành vi của Iran. Quan chức này cũng cảnh báo, việc cố tình kích động từ bên ngoài nhằm thay đổi chế độ tại quốc gia Hồi giáo sẽ không thể tự động cải thiện được tình hình.

Theo Sputnik, JCPOA có nguy cơ đổ vỡ năm 2018 sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận, viện dẫn lí do Iran đã ngấm ngầm vi phạm những điều khoản đã ký kết. Trong khi đó, Tehran khăng khăng họ vẫn tuân thủ JCPOA và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng xác thực điều này vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Washington vẫn tái triển khai nhiều đợt cấm vận mới chống Tehran, bóp nghẹt nền kinh tế Iran và kêu gọi EU cùng hành động theo chính phủ Mỹ.

Một năm sau khi Mỹ xé bỏ JCPOA, Iran bắt đầu giảm dần việc tuân thủ các giới hạn ấn định trong JCPOA. Giới chức Tehran quả quyết, quốc gia Hồi giáo sẽ quay trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận nếu EU làm tròn nghĩa vụ và giảm các lệnh cấm vận.

Iran cuối cùng đã hủy bỏ thỏa thuận hôm 5/1, hai này sau khi các lực lượng Mỹ tiến hành vụ không kích sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh hàng đầu của quân đội Iran ở sân bay quốc tế Baghdad, Iraq.

Tuấn Anh