- Đầu năm đi lễ là nét đẹp văn hóa. Tâm thái của mọi người khi có hành động này thường hướng đến những nét đẹp ấy. Thế nhưng, thực tế thì lại chưa được như vậy. 

Dễ thấy những cảnh nhẹ là chen chúc, nặng là cướp giật lộc thánh, phổ biến hơn là cầu tài, cầu lộc, thậm chí danh vọng, quyền chức. Ở một số nơi đã có tình trạng bát nháo, làm xấu đi hình ảnh chốn tâm linh.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử Vietnamnet trao đổi với Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sư, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Thông tin- truyền thông, trụ trì chùa Liên Phái, Hà Nội để cùng tìm hiểu kỹ hơn về câu chuyện này.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng
Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hoà thượng, việc ngày nay người người, nhà nhà đến chùa để cầu tiền tài danh vọng cho bản thân, hoặc gia đình mình có đúng với giáo lý nhà Phật không?

Hoà thượng Thích Gia Quang: Theo quan điểm của Phật giáo, đến chùa lễ Phật hay đến đình, đền lễ Thánh là mình tỏ lòng tri ân, lòng thành kính tới các bậc danh nhân, các bậc có công với nước, các bậc thần thánh, hoặc đối với Phật tổ, người đã đưa giáo lý của đạo Phật đến để chúng ta thực tập giáo lý trong đời sống hàng ngày, để đem lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc.

Ví dụ lễ chùa, chúng ta nên hiểu rằng, nhận thức rằng, mình đến chùa là để lễ Phật, làm theo những lời dạy của Phật mà đức Phật theo hạnh từ bi hỉ xả, mình sẽ học tập theo hạnh đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hoà thượng, rất nhiều hiện tượng như sắm mâm cao cỗ đầy để xin tiền tài may mắn, rải tiền lẻ để "hối lộ" thần linh tại các buổi đi lễ. Xin hoà thượng, cho biết về mặt tâm linh, tín ngưỡng, những việc làm này có đúng không?

Hoà thượng Thích Gia Quang: Theo truyền thống lễ hội của Việt Nam chúng ta, mọi người đi lễ hội, đến chùa lễ Phật hay đến các đền để lễ các bậc Thánh là mang tâm là chính, kính dâng một chút gọi tịnh tài, tịnh vật. Không nhất thiết phải mâm cao, cỗ đầy, hoặc dùng tiền để mà.., đặc biệt là các đồng tiền lẻ, kính dâng lên như vậy.

{keywords}
Khai ấn đền Trần thường có cảnh chen chúc, xô đẩy (ảnh: Vietnamnet)

Mình đi lễ đền Hùng chẳng hạn thì hiểu rằng, mình đi lễ các vị vua Hùng, mình đi lễ các vị có công với đất nước, sắm sanh những lễ vật vừa phải thôi, mang tính lòng thành thì việc đi lễ ấy sẽ có ý nghĩa hơn.

Đức Phật là một hoàng tử. Người đã bỏ quyền quý cao sang, đi tu rồi thành Phật, nên mình đến với đức Phật là với lòng thanh tịnh, với sự đơn giản thôi.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hoà thượng, ở nước ta đâu đâu cũng có chùa triền, nhưng sự tập trung rất đông người đi lễ chùa chỉ diễn ra ở một số nơi. Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý lẫn những người có trách nhiệm ở đền chùa trong việc gìn giữ sự linh thiêng. Xin Hòa thượng cho biết về khái niệm linh thiêng trong Phật giáo và liệu có như phần đông người dân đang quan niệm?

Hoà thượng Thích Gia Quang: Sự linh thiêng trong Phật giáo là lòng tin của mình vào đối tượng nào đó mà mình tin tưởng, mà mình cầu nguyện, như là chúng ta đặt niềm tin vào đức Phật. Linh thiêng như vậy là có ý nghĩa trí tuệ.

Bây giờ, một số người đi lễ chùa, lễ đền, đúng là với ý nghĩa cho rằng, nơi chốn đó là linh thiêng, nhưng họ chưa đặt hết niềm tin vào các bậc thánh thần đó. Thực tế, các bậc thánh thần chỉ là người chỉ đường, là tấm gương cho chúng ta học tập và chúng ta phải tự mình tìm ra con đường, tự làm cho mình có cuộc sống an lạc hạnh phúc.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hoà thượng, ngày nay, đời sống vật chất khá lên nhiều, số người đi lễ đông đảo hơn và việc đi lễ cũng thuận tiện hơn. Nhưng có cảm giác, những cử chỉ văn hóa, hòa nhã ngay tại các chốn linh thiêng ngày càng thưa vắng, trái lại là chen lấn, xô đẩy, thậm chí cướp giật tờ ấn, lộc thánh, hết sức phản cảm. Hoà thượng suy nghĩ như thế nào về hiện tượng như vậy?

Hoà thượng Thích Gia Quang: Theo chúng tôi, mọi người dân đến với lễ hội thì chúng ta phải đến với nhau bằng tình thân ái, sự sẻ chia, sự thông cảm, sự giúp đỡ nhau và chúc tụng cho nhau những điều tốt lành nhất, đặc biệt trong ngày lễ hội đầu xuân.

Còn nếu mà mình đến để tranh giành những lộc và cho rằng, lộc đó đem lại sự may mắn thì nghĩa, là chưa hiểu đúng với Phật giáo.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Hoà thượng, xin Hòa thường chia sẻ, việc đi lễ chùa, lễ đền, đình thế nào thì vừa đảm bảo ý nghĩa văn hóa vừa đảm bảo yếu tố tâm linh?

Hoà thượng Thích Gia Quang: Bà con chúng ta đi lễ chùa, hội đền, đình hay các lễ hội truyền thống là mang cái tâm của chúng ta. Mình đến lễ nơi nào đó, nên hiểu biết đó là chúng ta lễ gì, lễ thánh thần nào, là lễ đức Phật hay là lễ tổ tiên? Khi chúng ta hiểu việc đi lễ đó rồi thì việc lễ sẽ có ý nghĩa hơn và có công đức lên rất là nhiều. Và những lễ ấy, hội ấy sẽ đáp ứng ý nghĩa văn hoá hơn.

Vietnamnet