Theo trang Bloomberg, Đức có kế hoạch bắt phạt các mạng xã hội nếu không đẩy lùi được các phát ngôn ác ý.
Tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU) diễn ra tại vùng phía tây Saarland hôm 14/1, Chủ tịch đảng Volker Kauder tuyên bố ông đã có được sự chấp thuận sơ bộ của Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas, về việc yêu cầu các công ty truyền trông trả lời các thông cáo khiếu nại trong vòng 24 giờ. Nếu không họ sẽ phải trả tiền phạt.
“Các khoản phạt phải thật nặng, nếu không thì chúng sẽ không có hiệu quả”, Kauder trả lời các phóng viên tại buổi họp.
Bà Angela Merkel. (Ảnh: AP) |
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc đẩy việc điều tiết các nội dung trên mạng truyền thông xã hội, trong đó có các phát ngôn ác ý, nhằm chống lại làn sóng chủ nghĩa dân tuý đang ngày càng chiếm được nhiều sự ủng hộ tại Đức và trên toàn châu Âu, đặc biệt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn.
Khoản phạt lên tới nửa triệu đô
Các nhà cầm quyền Đức đang bước vào giai đoạn tranh luận căng thẳng về các biện pháp hữu hiệu để hạn chế những phát ngôn ác ý, tin tức sai sự thật hoặc các trò chơi khăm mang tính xúc phạm trên mạng xã hội, cũng như các phương pháp kiểm duyệt cần thiết.
Năm trước, các ông lớn từ Mỹ như Facebook, Twitter, Google and Microsoft Corp. đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU) về các nỗ lực chống lại các phát ngôn ác ý. Các công ty đã tham gia Uỷ ban châu âu diễn ra vào tháng 5, nhằm thông qua việc áp dụng luật quốc gia vào việc xét duyệt các hoạt động trực tuyến.
Cuối tháng 12/2016, báo Theduran đưa tin, bà Merkel đang xem xét áp dụng khoản phạt lên tới 500.000 Euro (khoảng 522.000USD) đối với Facebook và các mạng xã hội khác, nếu các trang này để lan tràn tin tức sai sự thật mà không xoá bỏ kịp thời. Động thái này được xem là sẽ mở đường cho việc các thành viên khác của EU áp dụng biện pháp tương tự trong tương lai.
Kauder, người đứng đầu trong ban tham mưu của bà Merkel tại hạ viện, cho biết Bộ Tư pháp sẽ đưa ra 1 dự luật, bao gồm bảng thống kê các khoản phạt và ông tự tin rằng liên minh sẽ nhanh chóng đi đến sự đồng thuận sau cùng.
“Đơn giản là cái gì có giá trị trong thế giới thực thì cũng có giá trong thế giới kỹ thuật số”, Kauder khẳng định. Ông cũng từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến các biện pháp kiểm duyệt có thế được áp dụng.
Sức ép cho Facebook
Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas trả lời báo Rheinische Post rằng, Facebook cần cải thiện quy trình để có thể xoá các bài đăng ác ý. Và, chính quyền sẽ thực hiện các hành động pháp lý nếu thấy các công ty truyền thông xã hội xử lý quá chậm chạp.
Bà Merkel đã chịu nhiều chỉ trích, bình luận ác ý từ mạng xã hội, đặc biệt sau vụ khủng bố bằng xe tải giết chiết 12 người tại chợ Giáng sinh Berlin cuối năm 2016. Nhưng vấn đề đã bắt nguồn từ trước đó với khủng hoảng tị nạn, cùng lúc với sự gia tăng của những bài đăng mang tính phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại trên mạng xã hội tại Đức.
Trong một cuộc trao đổi ngoài lề tại bữa trưa do Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 9 năm 2015, nhà lãnh đạo Đức đã đối chất với CEO Facebook Mark Zuckerberg về các nỗ lực của Facebook trong việc xử lý vấn đề này. 5 tháng sau, Zuckerberg đã đến Berlin với lời hứa sẽ xoá bỏ các phát ngôn ác ý về người nhập cư khỏi trang của mình. Ông cho biết, một nhóm nhân viên sẽ rà soát trang Facebook Đức để xoá các bài đăng mang tính phân biệt chủng tộc.
Các công ty truyền thông cũng phải chịu sức ép từ chính quyền phương Tây, vì không hành động kịp thời để xoá các nội dung liên quan đến các nhóm khủng bố và tổ chức cực hữu. Vào tháng 12 vừa qua, hội nghị châu âu đã đưa ra cảnh cáo rằng đã hết thời gian cho các công ty công nghệ Mỹ chứng minh sự nghiêm túc của họ về việc xử lý các phát ngôn ác ý hoặc chấp nhận các quy định nghiêm ngặt hơn.
Trước các biện pháp cứng rắn từ chính quyền Đức, cuối cùng Facebook đã thông báo về việc đem vào thử nghiệm một công cụ được thiết kế để chống các tin tức sai sự thật (fake news tool). Theo như xác nhận của tạp chí Financial Times, công cụ phát hiện tin tức giả của Facebook là một quy trình gồm: tố cáo của người dùng, kiểm tra của bên thứ 3 và cắm cờ cảnh báo từ phía Facebook cho các tin giả.
Việc mở rộng áp dụng công cụ này cho các nước khác vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, theo tuyên bố từ phía Facebook, công ty đang tiếp tục nghiên cứu và xem xét việc áp dụng trên phạm vi toàn cầu một khi đã xác nhận được các thách thức phải đối mặt.
Nước Anh cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm từ Đức. Chính quyền nước này đang lôi kéo các nhà điều hành của Facebook, Google, và Twitter vào một cuộc điều tra để xác nhận các khả năng xung quanh việc tin tức sai sự thật trên mạng xã hội có thể làm suy yếu chế độ dân chủ.
Cúc Nguyễn
Tỉnh táo sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội
Báo chí và các nhà báo cần phải thận trọng, tỉnh táo và khôn ngoan khi sử dụng các nguồn tin trên mạng xã hội. Tất cả đều cần được kiểm chứng trước khi sử dụng.
Trump 'tấn công' Obama trên mạng xã hội
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại vừa dùng mạng xã hội "tấn công" Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.
CEO Facebook lại bị hack tài khoản mạng xã hội
Một nhóm hacker vừa tuyên bố đã chiếm quyền điều khiển tài khoản trực tuyến của tổng giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg lần thứ hai trong năm nay.
Xây dựng barem để nhà báo tham gia mạng xã hội
Sáng 16/11, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Bầu cử Mỹ khiến mạng xã hội Twitter sập
Mạng xã hội Twitter trên toàn thế giới bị sập hôm 7/11 bởi nguyên nhân được cho là do bầu cử Mỹ.