Đức chưa sẵn sàng loại Huawei khỏi mạng 5G của mình và có thể điều chỉnh luật để các nhà sản xuất bị nghi ngờ vẫn có thể cung cấp thiết bị cho các nhà mạng Đức. Thông tin này vừa được Bộ Nội vụ Đức đưa ra với hãng tin CNBC ngày 19/2.

Trong một tuyên bố gửi qua đường email, phát ngôn viên Bjorn Grunewalder của Bộ Nội vụ Liên bang Đức (BMI) nói rằng cơ quan này đang xem xét điều chỉnh các mạng viễn thông để chuẩn bị cho "những nguy cơ tiềm tàng mới".

"Hiện nay, việc loại trực tiếp một nhà sản xuất thiết bị 5G cụ thể là điều không thể trên phương diện luật pháp, và cũng không nằm trong kế hoạch", ông Grunewalder cho hay. "Đối với BMI, trọng tâm hiện nay là điều chỉnh các quy định an ninh cần thiết để an toàn của các mạng viễn thông được đảm bảo, cho dù thiết bị được cung cấp bởi nhà sản xuất có thể không đáng tin cậy".

{keywords}
Nhiều quốc gia lo ngại yếu tố an ninh mạng khi phát triển mạng 5G 

Cũng theo vị phát ngôn viên, các yêu cầu an ninh cần thiết sẽ được bổ sung vào luật viễn thông của Đức. Các điều chỉnh cụ thể đang được các cơ quan hữu quan thảo luận, nhưng chưa có quyết định cuối cùng.

Nếu Đức cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G của nước này, thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Mỹ trong việc thuyết phục đồng minh "cấm cửa" nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc. Huawei đã không thể bán thiết bị viễn thông cho Mỹ trong nhiều năm, và Tổng thống Donald Trump được cho là đang tìm cách cấm hoàn toàn các nhà mạng Mỹ dùng thiết bị Trung Quốc.

Gần đây, một số quốc gia khác gồm Australia, New Zealand và Nhật Bản cũng đã loại Huawei khỏi các mạng 5G của nước mình, với lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, những lệnh cấm này có thể bị đảo ngược.

Hôm thứ Hai, tờ Financial Times đưa tin rằng cơ quan an ninh mạng quốc gia Anh đã kết luận rằng những rủi ro từ thiết bị mạng 5G của Huawei có thể được hạn chế. Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói rằng Huawei có thể được dùng cho mạng 5G của nước này nếu hãng có thể giảm bớt nỗi lo về an ninh của Chính phủ New Zealand.

Ngày thứ Ba, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói Đức đang tính đưa thiết bị Huawei vào mạng 5G của nước này. Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Peter Altmaier nhấn mạnh Chính phủ vẫn đang xem xét quy chế về an ninh mạng 5G và chưa đi đến quyết định cuối cùng.

Đối mặt với những cáo buộc của Mỹ rằng thiết bị của Huawei có thể giúp sức cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh, tập đoàn này luôn phủ nhận.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS phát sóng ngày 19/2, khi được hỏi liệu có chuyện Huawei chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc, nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi đáp: "Trong suốt 30 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ làm việc đó. Và trong 30 năm tới, chúng tôi cũng sẽ không làm việc đó".

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác với hãng tin BBC, ông Nhiệm nói "nước Mỹ không thể nào đè bẹp được chúng tôi". "Thế giới không thể bỏ chúng tôi vì công nghệ của chúng tôi hiện đại hơn", ông tự tin nói.

Công nghệ di động Internet 5G có tốc độ siêu nhanh, được dự báo sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong nền kinh tế số thông qua việc thúc đẩy những công nghệ mới như xe không người lái và Internet vạn vật (IoT). Tuy nhiên, 5G cũng là một "chiến địa" cho cuộc chiến giành quyền thống lĩnh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo VnEconomy

Qualcomm ra mắt chip 5G thế hệ thứ hai, đua khốc liệt với Intel và Samsung

Qualcomm ra mắt chip 5G thế hệ thứ hai, đua khốc liệt với Intel và Samsung

Trước thềm Hội nghị Di động thế giới (MWC 2019) dự kiến diễn ra từ ngày 25 - 28/2 tại Barcelona, Tây Ban Nha, Qualcomm giới thiệu chip 5G thế hệ thứ hai của mình với tên gọi Snapdragon X55.