Những đứa trẻ sinh ra trong thời đại công nghệ coi những đồ chơi công nghệ là một thứ đương nhiên tồn tại quanh chúng từ khi mới lọt lòng.
Tham vọng của cha mẹ dạy con song ngữ từ khi còn mang thai là chính đáng và chiếc iPad hay Smart Phone là những thiết bị quá tiện dụng.
Nếu nói về tâc dụng tích cực của điện thoại trong giáo dục thì có quá nhiều. Thiết bị cầm tay nhỏ bé ấy mở ra cả một thế giới khác biệt với trẻ em và ngay cả với người lớn chúng ta. Điện thoại cung cấp thông tin, các kênh YouTube hay để giải trí và học hành.
Nhưng tác động tiêu cực cũng quá nhiều. Chúng ta thử hỏi chính bản thân mình xem mỗi ngày chúng ta nhấc chiếc điện thoại lên vào vào Facebook hay đọc tin bao nhiêu lần.
Các chuyên gia nghiên cứu đã tính bình quân mỗi ngày 1 người có thể dành ít nhất 2 giờ chỉ để lướt mạng.
Trẻ em nghiên điện thoại (screen addiction) là quá phổ biến trên thế giới và có xu hướng phát triển thành một hội chứng rối loạn do nghiện màn hình (Screen Addiction Disorder).
Hội chứng này có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển não bộ và trí tuệ của trẻ. Nhiều đứa trẻ tiếp xúc điện thoại quá sớm và thường xuyên có biểu hiện chậm nói hay chậm giao tiếp. Nhiều cháu chỉ muốn sống với thế giới trong chiếc điện thoại cầm tay.
Trẻ càng lớn thì biểu hiện về giao tiếp càng trầm trọng khi lúc nào cũng chúi mặt vào cái điện thoại không cần biết đến thế giới xung quanh. Khi vào lớp học mắt vẫn liếc điện thoại và chát rồi thi thoảng bật cười khanh khách.
Với chiếc điện thoại kết nối internet 4G, bọn trẻ có thể chui vào bất cứ ngõ ngách nào chúng muốn.
Thế có nên cấm chúng không? Nếu cấm thì cấm ở mức độ nào?
Xét từ khía cạnh pháp lý, việc sử dụng điện thoại có thể thuộc phạm trù quyền tiếp cận thông tin là quyền hiến định. Không ai có quyền tước đi quyền này của một công dân.
Với trẻ em chưa đủ 18 tuổi, quyền này có thể được thực hiện trực tiếp bởi đứa trẻ hoặc được thực hiện thông qua người giám hộ trực tiếp của đứa trẻ đó. Trong trường hợp này nếu việc thực hiện một quyền nào đó, ở đây là quyền tiếp cận thông tin, bởi đứa trẻ có khả năng gây phương hại tới bản thân đứa trẻ, người giám hộ trực tiếp có thể hạn chế quyền này và phân bổ quyền một cách hợp lý sao cho việc đó có tâc dụng tích cực lên sự phát triển của trẻ.Tương tự như quyền được học hành của đứa trẻ có thể bị cha mẹ hạn chế hoặc phân bổ lại cho hợp lý. Lưu ý việc hạn chế quyền và tước quyền là khác biệt.
Xét từ khía cạnh giáo dục, việc nhiều đứa trẻ sử dụng điện thoại trong giờ học có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng bài giảng của thầy cô giáo hoặc chất lượng tiếp thu vài giảng của các học sinh trong lớp hoặc chính học sinh đó.
Trong trường hợp này sẽ phát sinh sự xung đột về quyền được học và quyền được tự do tiếp cận thông tin. Vậy quyền nào sẽ được ưu tiên?
Thực ra nếu đem luật ra nói thì khó có thể tước đi quyền tiếp cận thông tin của trẻ, nhưng xét trên lợi ích lớn hơn của cộng đồng thì nhà trường có thể hạn chế việc thực hiền quyền này của trẻ mà không làm cản trở hay tước đi quyền đó. Nhà trường có thể đưa ra quy định rõ ràng về cách thức, thời gian và địa điểm mà một học sinh có thể sử dụng điện thoại sao cho hợp lý.
Có những phụ huynh sẽ lập luận rằng chiếc điện thoại là một vật dụng của đứa trẻ và do đó đứa trẻ ấy có toàn quyền sử dụng điện thoại bất kỳ lúc nào chúng muốn. Việc sử dụng điện thoại thường xuyên cũng đảm bảo học sinh có thể cập nhật thông tin thường xuyên, nhận điện thoại từ gia đình và người thân. Xét một cách chặt chẽ thì trong một số trường hợp phụ huynh có thể kiện nhà trường nếu việc hạn chế sử dụng điện thoại dẫn tới thiệt hại cho đứa trẻ. Ví dụ, điện thoại nhắc đứa trẻ có bệnh dị biệt uống thuốc đúng giờ và do bị hạn chế sử dụng điện thoại nên đứa trẻ quên uống thuốc dẫn tới hệ lụy tai hại nào đó. Tất nhiên đây là trường hợp hiếm hoi có thể xảy ra.
Xét mọi khía cạnh thì tôi vẫn ủng hộ việc hạn chế sử dụng điện thoại trong giờ học. Tôi ghét nhất từ "cấm".
Đó là kiểu áp đặt mệnh lệnh hành chính bất chấp các quyền hiến định thể hiện sự ấu trĩ của nhà quản lý. Nếu không cấm thì cách thức việc hạn chế này nên được thực hiện như thế nào cho văn minh và hiệu quả.
Tôi biết có ông thầy nhắc học sinh nhiều lần là không được chúi mũi vào cái điện thoại, học sinh không nghe thế là ông thầy này hằm hằm lao xuống giật điện thoại vứt qua cửa sổ. Làm như thế là thầy vi phạm luật đó. Hãy nghĩ xem khi bạn bước vào Sứ quán Mỹ bạn phải đi qua máy kiểm tra và mọi thiết bị nghe nhìn đều bị tạm giữ bên ngoài.
Nhưng các trường học có làm được điều này không? Mỗi trường có ít nhất 2000 học sinh và chỉ riêng chuyện đi thu điện thoại trước khi vào lớp và trả điện thoại sau khi ra khỏi lớp đã chiếm mất quá nhiều thì giờ.
Tôi nghĩ nên thế này: Các trường hay tổ chức các buổi nói chuyện với học sinh về văn minh sử dụng điện thoại để hình thành ý thức tắt chuông và bỏ điện thoại vào nơi quy định trước giờ học hoặc để yên trong cặp. Giáo dục được học sinh tuân thủ là cách tốt nhất vì khi đó học sinh tự nguyện không dùng điện thoại.
Tuy nhiên cũng có những giờ học cũng nên khuyến khích học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu như giờ học ngoại ngữ, khoa học hay nghệ thuật. Hãy coi việc giáo dục sử dụng điện thoại cũng là một phần trong giáo dục hành vi để rèn ý thức tự giác cho học sinh từ bé.
Tôi biết nói thì dễ nhưng làm được thì mới khó. Nhưng trong thời đại này công nghệ còn phát triển tinh vi lắm. Sẽ có lúc điện thoại chính là cái bút, chính là đồng hồ, chính là cặp kính cận đeo mắt thì chả nhẽ cứ cấm hết sao? Giáo dục phải bắt đầu từ việc bỏ ngay cái kiểu không dạy được thì cấm. Mà giáo dục phải dạy được học sinh biết đâu là việc nên làm. Các con hãy bắt đầu tự giác tắt chuông điện thoại để nguyên trong cặp ngay từ sáng nay nhé!
Giang Nguyễn (tốt nghiệp ĐH Cornell, ĐH Luật Boston - Mỹ)
Phản đối sử dụng điện thoại hay thay đổi phương pháp dạy và học?
Nếu có một phương pháp đúng thì những chiếc điện thoại sẽ là cây đũa thần trong tay học trò. Nếu phương pháp đã dở thì một cuốn sách giáo khoa đạo đức cũng trở thành gây hại.