Nhìn những con phố mà vỉa hè được “bọc” bởi hàng rào cao thấp khác nhau, bạn đọc có nickname Hà Nội Phố ngao ngán nói: “Sao vỉa hè ở Hà Nội khổ đến thế? Hết hàng rong lấn chiếm, đỗ xe, giờ lại rào chắn?!”.
Bạn Van Duong viết: “Nói chung, việc tham gia giao thông ở Hà Nội cực kỳ lộn xộn, kể cả các tỉnh phía Bắc cũng vậy”.
“Xe ô tô mà trèo được lên lề để tranh thủ chạy thì cũng trèo, dân mình thích tranh thủ cho mau… đến đích”, bạn Bút Chẳng Tà nói.
Dù đi qua đường bằng vạch kẻ ưu tiên nhưng người đi bộ phải trèo rào để lên vỉa hè. Ảnh: Đình Hiếu |
Còn bạn đọc Trần Văn Cường cám cảnh: “Trông mà buồn quá. Người lành lặn, khỏe mạnh mà đi bộ trên vỉa hè còn vất vả như thế thì người khuyết tật đi làm sao đây”.
Đồng quan điểm, nhiều bạn lo lắng cho việc đi lại của người khuyết tật, các cụ già. “Không hiểu tư duy của các nhà quản lý đường bộ như thế nào nữa, không phải là tốt cho dân mà là làm khó dân”, bạn Minh nêu quan điểm.
Ở góc độ khác, bạn Nguyen Van Doan bức xúc: “Mọi người đã thực sự tham gia giao thông có văn hóa chưa, hay mạnh ai người ấy chen, bất chấp làn xe, bất chấp người đi trước, bất chấp đèn tín hiệu. Cho dù đông nhưng mọi người cùng di chuyển vẫn nhanh hơn có vài người chen ngang rồi đứng lại cả đoàn".
“Nhìn quá phản cảm, làm mất đi vẻ đẹp của đường phố. Tại sao không dùng biện pháp xử phạt người vi phạm một cách nghiêm khắc để răn đe”, bạn Thế Vĩnh Phan chia sẻ.
Bạn Cường Nguyễn đánh giá: “Đây là minh chứng cho sự yếu kém trong quản lý đô thị của Hà Nội, mỗi nơi mỗi kiểu, nhếch nhác, tuỳ tiện, gây thêm phiền phức và tốn kém”.
Phân làn giao thông giảm thiểu ùn tắc
Bạn đọc tên Dũng nêu giải pháp: “Nếu phân làn ô tô và xe máy thì chắc chắn tình trạng phương tiện “bò” lên vỉa hè sẽ giảm. Giờ cao điểm, ô tô chiếm hết lòng đường, xe máy bám đuôi ô tô bị ngửi khói đậm đặc!”.
Ô tô chiếm hết lòng đường, xe máy lao lên vỉa hè ở đường Tố Hữu. Ảnh: Đình Hiếu |
Bạn đọc Tùng cho hay: “Tôi không phải loại người không biết tôn trọng luật lệ, nhưng cũng đã từng leo xe máy lên vỉa hè với nỗi bực dọc "ô tô chắn hết lòng đường mà không ai xử lý, thì buộc phải trèo lên hè". Sở GTVT Hà Nội đã bỏ việc chính (đảm bảo đường thông), mà thích loay hoay tìm những "kế" lặt vặt để bao biện (giữ kỷ luật giao thông).
Đồng quan điểm, bạn đọc tên Luong Nguyen cho rằng, ngoài nguyên nhân do ý thức của người tham gia giao thông thì còn có tình trạng ô tô đi không đúng làn, chiếm đường của xe máy. Đặc biệt là việc việc xử phạt chưa nghiêm.
Bạn đọc tên Huy cho rằng, dù nguyên nhân của việc dựng hàng rào ngăn vỉa hè do đâu thì việc không thống nhất về thiết kế, nơi cao nơi thấp, khiến cho bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.
Bạn đọc Lan Anh đánh giá, việc quây vỉa hè vừa xấu vừa cản trở người đi bộ, không sử dụng cho người đi xe đạp được. “Singapore làm luống trồng cây và hoa tại phần vỉa hè sát lòng đường, vừa đẹp vừa ngăn xe leo lên. Phần phía trong vỉa hè, họ kẻ vạch cho người đi bộ cùng đi với xe đạp. Việc đó vừa văn minh, lịch sự, tăng thêm diện tích phủ xanh thành phố, không biến vỉa hè bị quây thành chỗ đổ rác”, Lan Anh chia sẻ.
“Cả người duyệt thiết kế và người thi công đều không ổn. Ở các nước châu Âu họ làm giữa các hàng rào có khe đủ rộng cho người đi bộ, xe máy không lọt qua”, bạn Huy nêu.
Ban Petter Molnar gợi ý: “Nên làm giống châu Âu, các trụ phải đẹp, nghệ thuật. Nối các trụ là các sợi dây xích chùng xuống, tạo tính ước lệ của ranh giới ý thức”.
Nhìn những hàng rào vỉa hè, bạn đọc tên Thành gửi ý kiến: “Đề nghị xem xét trách nhiệm cơ quan tham mưu và tổ chức thực hiện việc rào chắn vỉa hè, không đúng cách (thiếu tính toán suy nghĩ) dẫn tới lãng phí, làm rồi lại tháo dỡ, thật vô bổ”.
Vỉa hè 'nai nịt' chống xe máy leo trèo, người đi bộ lại chọn phương án khó ngờ
Để ngăn xe máy đi lên vỉa hè, nhiều loại hàng rào được dựng lên ở Hà Nội. Do không có thiết kế đồng nhất nên có nơi đảm bảo thẩm mỹ và công năng sử dụng, nơi lại nhếch nhác gây khó cho người đi bộ.
B.N