Người tiêu dùng rất ưa chuộng hàng Thái, do tâm lý lo ngại chất lượng hàng Trung Quốc. Trong khi đó hàng Thái còn có mẫu mã, giá cả, chất lượng cạnh tranh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: không thể như bóng đá, cứ nhìn thấy Thái Lan là thua.
Cơn sóng hàng Thái dồn dập vào Việt Nam
Tổng cục Hải quan cho hay, trong 7 tháng năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam và Thái Lan là 8,28 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan là 2,64 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này là 5,64 tỷ USD.
Hoa quả Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh minh họa |
Kết quả là nhập siêu từ Thái Lan trong 7 tháng đầu năm nay là gần 3 tỷ USD, tăng 465 triệu USD so với mức nhập siêu 7 tháng năm 2016.
“Mức thâm hụt thương mại từ Thái Lan tăng mạnh trong 2 năm vừa qua, chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này tăng cao trong khi xuất khẩu suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Kết quả là trong năm 2016, nhập siêu hàng hóa từ Thái Lan lớn thứ 4, chỉ xếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan”, Tổng cục Hải quan cho hay.
Với xu hướng tăng nhập khẩu từ Thái Lan, đặc biệt là ô tô nguyên chiếc, Tổng cục Hải quan dự báo nhập siêu từ Thái Lan sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Trước tình hình đó, ngày 15/9 Bộ Công Thương đã phải triệu tập một cuộc họp với sự có mặt của đầy đủ các lãnh đạo Vụ, Cục để bàn về tình hình nhập siêu với Thái Lan.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi cho hay năm 2016 Việt Nam nhập siêu khoảng 5 tỷ USD từ Thái Lan và 8 tháng đầu năm con số này là hơn 3 tỷ USD. Trong 36 mặt hàng nhập khẩu có 22 mặt hàng trong nước sản xuất được.
Đơn cử, mặt hàng rau quả, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan chiếm 44,33% nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ thế giới, nhưng hơn 90% trong số đó lại được xuất khẩu ngược lại sang các nước.
Lý giải nguyên nhân, đại diện Vụ châu Á, châu Phi cho rằng: Thái Lan đã xây dựng được nền công nghiệp chế biến trong nước có năng lực cạnh tranh cao, giá cả tốt. Chính phủ Thái rất quan tâm xây dựng thương hiệu hàng Thái qua việc đầu tư bài bản, trung bình 12-22 hội chợ hàng Thái được tổ chức ở Việt Nam với quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp tham gia, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, lộ trình giảm thuế theo cam kết ATIGA đã thúc đẩy nhập khẩu. Ngoài ra, người tiêu dùng rất ưa chuộng hàng Thái do tâm lý lo ngại chất lượng hàng Trung Quốc; hàng Thái còn có mẫu mã, giá cả, chất lượng cạnh tranh.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thừa nhận cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan rất giống nhau. Nhưng đáng lưu ý là, cùng 1 sản phẩm nhưng hàng Việt Nam xuất sang Thái Lan lại có giá trị thấp hơn do năng lực cạnh tranh thấp hơn.
Trước việc hoa quả Thái Lan nhập khẩu mạnh về Việt Nam, ông Chinh cũng cho biết một phần nhập về để tiêu thụ trong nước, phần còn lại nhập để tái xuất, và chủ yếu tái xuất sang Trung Quốc.
Những cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều. |
Không thể ngăn hàng Thái, phải nâng chất hàng Việt
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương, có ý kiến đề nghị cần có hàng rào kỹ thuật để ngăn hàng nhập khẩu tràn vào. Nhưng Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Hàng rào kỹ thuật phải gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa và gắn với an toàn thực phẩm chứ không phải là công cụ để quản lý sản phẩm.
Chúng ta phải chấp nhận dẹp bỏ các doanh nghiệp làm ăn gian dối để nâng cao năng lực sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc phát triển bền vững hệ thống thương mại.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng cần đặt vấn đề tăng cường xuất khẩu sang Thái Lan, phát triển thương mại một cách bền vững.
“Có mặt hàng từ Thái Lan rất tốt và chúng ta cần nhập khẩu, nhằm khai thác lợi thế thị trường. Cách tiếp cận không phải chú trọng chặn nhập khẩu mà cần kéo các bộ ngành cùng vào cuộc để nâng cao năng lực cạnh tranh và sản xuất trong nước”, ông Sơn nói.
Dù vậy, ông cũng thừa nhận rằng ở góc độ xúc tiến thương mại cho thấy lâu nay công tác này tại thị trường Thái Lan còn hạn chế, chỉ một số chương trình đơn lẻ do các Vụ, địa phương tự tổ chức thực hiện.
Ông Sơn cũng gợi ý là cần tận dụng các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt ở Việt Nam, theo đó sử dụng nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng hóa và thực hiện xuất sang Thái Lan. Bởi các sản phẩm điện, điện tử của Thái Lan xuất sang Việt Nam đều do các tập đoàn đa quốc gia thực hiện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho hay chưa nhận được phản hồi về hàng nhập từ Thái Lan có ảnh hưởng đến trong nước.
Nhìn nhận vấn đề hàng hóa Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: không thể như bóng đá, cứ nhìn thấy Thái Lan là thua tiếp, do vậy năng lực cạnh tranh cần được cải thiện. Nhiều dòng thuế đã được giảm từ 2005 nhưng chúng ta chưa tận dụng được và nếu không có giải pháp sẽ bỏ lỡ trong giai đoạn tới.
“Không chỉ nhìn ở việc kiểm soát nhập khẩu bằng mọi giá mà cần nhìn một cách tổng thể, từ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cần nhìn 2 chiều và có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng xuất siêu mặt hàng khác, đây là quy luật của thị trường”, ông Tuấn Anh nói và khẳng định “không thể áp dụng các biện pháp cực đoan khác, chúng ta chỉ quản lý chứ không giám sát”.
Chốt lại, Bộ trưởng Công Thương cho rằng thương mại chỉ bền vững được khi chúng ta khẳng định được năng lực cạnh tranh của chúng ta và chính sách nào cũng phải xác định cho đúng đối tượng phục vụ để mang lại lợi ích cho họ.
Hà Duy