Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đã là giáo viên thì không thể làm những việc trái pháp luật, còn cấp có thẩm quyền đừng vì tiền bạc mà nhận họ làm việc để rồi ngày hôm sau lại "ném" họ ra đường.

Dưới đây là trao đổi của ông Lưu Bình Nhưỡng với VietNamNet về vấn đề "chạy" biên chế giáo viên nhân sự việc 500 giáo viên có nguy cơ mất việc ở Đắk Lắk.

Phóng viên: Thưa ông, sự việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng ở Đắk Lắk lộ rõ những bất cập trong tuyển dụng viên chức, cụ thể là "chạy" vào biên chế. Ông nghĩ gì về điều này?

- Ông Lưu Bình Nhưỡng: Câu chuyện "chạy" vào biên chế giáo viên không phải bây giờ mới có mà từ lâu đã âm ỉ, được nói rất nhiều. Việc hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk không chỉ là trường hợp đầu tiên mà có nhiều trường hợp đã được đề cập tới.

Rõ ràng việc tuyển dụng giáo viên đang có rất nhiều vấn đề không minh bạch. Cụ thể như tuyển giáo viên không chất lượng, không đúng tiêu chuẩn, tiêu cực trong tuyển giáo viên dẫn tới chỗ thừa, chỗ thiếu. Đây là vấn đề liên quan tới quy hoạch sử dụng cán bộ, đặc biệt là giáo viên ở các trường phổ thông. Quả thực rất đáng tiếc.

{keywords}
Ảnh: Phạm Hải

Lần đầu tiên có một giáo viên đã công khai phải bỏ ra 120 triệu đồng để chạy một suất vào viên chế dù hàng tháng chỉ nhận lương 1 triệu đồng.Theo ông, có phải khi giáo viên đã ở bước đường cùng nên sự việc mới vỡ lở ?

- Ở đây thể hiện cả hai khía cạnh, một là giáo viên đã ở vào bước đường cùng, không còn cách nào khác buộc họ phải nói ra chuyện tiêu cực. Mặt khác, việc này thể hiện rõ công tác tuyển dụng đang có vấn đề. Và việc có vấn đề này không chỉ xảy ra một trường hợp này mà còn đối với nhiều trường hợp khác.

Ông muốn nói gì với giáo viên khi họ chấp nhận bỏ tiền ra để chờ suất vào biên chế?

- Tôi nghĩ những người mong muốn làm giáo viên trước hết phải đánh giá bản thân mình có đủ trình độ, năng lực không hay chỉ có tâm huyết. Bản thân họ phải xác định giáo viên thì không thể làm những việc trái pháp luật. Vì muốn làm giáo viên mà phải đi hối lộ là điều rất đáng chê trách và đáng buồn cho hệ thống giáo dục. Vì vậy, trước hết họ phải xem xét lại hành vi của mình có đúng không.

Tôi cũng mong tất cả những người muốn làm giáo viên khi đề đạt nguyện vọng chính đáng của mình lên các cấp có thẩm quyền phải được xem xét công bằng. Các cấp này đừng vì tiền bạc mà nhận họ vào làm việc, để rồi ngày hôm sau lại "đẩy" họ ra đường.

Việc Bộ Nội vụ được phân cấp trong tuyển dụng giáo viên, theo ông, có ưu điểm và nhược điểm gì?

- Bộ Nội vụ tuy được phân cấp nhưng chỉ chỉ đạo về mặt chính sách và chủ trương chung. Trên thực tế, việc tuyển dụng giáo viên phụ thuộc vào các bộ ngành có chuyên môn. Vì vậy, không nên quy trách nhiệm này cho Bộ Nội vụ hay giao khoán việc này cho Bộ nội vụ là không đúng. Vì Bộ Nội vụ chỉ về mặt số lượng và phê duyệt đề án còn việc chính là các cơ sở ở địa phương, đặc biệt là Bộ GD-ĐT cũng có trách nhiệm rất lớn.

Vậy các cơ quan bộ ngành có trách nhiệm như thế nào để việc này không còn tái diễn, và tuyển dụng giáo viên nên thay đổi ra sao?

- Trước tiên, hiện nay chúng ra đã có quy định tiêu chuẩn về giáo viên, vì vậy Chính phủ phải rà soát xem những tiêu chuẩn này có phù hợp không.

Thứ hai, phải ra soát xem trong những năm qua việc thực hiện chính sách đào tạo bồi dưỡng giáo viên đã đúng chưa, có đảm bảo chất lượng chưa, có cần phải điều chỉnh hay không.

Thứ ba, Bộ GD-ĐT phải xem xét việc quy hoạch hệ thống các trường học, quy hoạch về mặt số lượng, vị trí và chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên đã đầy đủ chưa. Nếu chưa làm tốt, Bộ GD-ĐT phải hướng dẫn các địa phương để hoàn thiện.

Thứ tư, các địa phương phải chỉ đạo tất cả các trường học cùng tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý. Song song với việc giao quyền địa phương về mặt tuyển dụng, phải giao cả cho họ việc chịu trách nhiệm về chất lượng đội ngũ giáo viên trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét tuyển dụng và bổ nhiệm. Nhân sự kiện này phải hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về giáo viên để áp dụng cho toàn quốc.

Tôi nghĩ việc tuyển dụng giáo viên nếu tiếp tục giao cho cơ quan nội vụ địa phương là không đúng. Hãy giao việc này cho cơ quan chuyên môn vì chỉ những cơ quan này mới đánh giá đầy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí, và họ trực tiếp tuyển dụng khi có nhu cầu. Còn các cơ quan khác hãy làm công tác hậu kiểm. 

Xin cảm ơn ông!

Lê Huyền (thực hiện)

Những người để xảy ra câu chuyện 500 giáo viên mất việc: "Rất đáng lên án!"

Những người để xảy ra câu chuyện 500 giáo viên mất việc: "Rất đáng lên án!"

Ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng những người để xảy ra câu chuyện 500 giáo viên bị dừng hợp đồng ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) rất đáng lên án.

Hiệu trưởng nhận 300 triệu chạy việc, cắt xén lương giáo viên

Hiệu trưởng nhận 300 triệu chạy việc, cắt xén lương giáo viên

Một hiệu trưởng tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã bị công an triệu tập do bị người dân, giáo viên làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo nhận tiền chạy việc, cắt xén lương giáo viên.