“Sài Gòn hoa lệ phồn vinh một thời rơi vào tình trạng chưa bao giờ gặp phải, người dân phải ăn độn khoai sắn, ăn bo bo”.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 2 cuộc Tọa đàm 40 năm ký ức ngày thống nhất, với các khách mời: Bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó Bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP. HCM; Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính – ngân hàng; Ông Đặng Văn Khoa, nguyên ĐB HĐND TP. HCM, hiện là Ủy viên Trung ương UBMTTQ VN.

Nhớ về thời ăn độn

Nhà báo Duy Chiến: Sẽ không đầy đủ nếu nói về ngày 30/4 mà không nói đến “đêm trước Đổi mới” ở thành phố này. Là những người có nhiều trải nghiệm, các vị có thể chia sẻ như thế nào về những ngày tháng đó?  

Bà Phạm Phương Thảo: Khó khăn sau chiến tranh là tất yếu ở bất cứ cuộc chiến nào. Rồi bị cấm vận nghiệt ngã. Tình trạng chung là thiếu hàng hóa, thiếu lương thực cho người dân. “Thức ăn” cho máy móc cũng khan hiếm trầm trọng. Nhưng đó không phải là nguyên nhân tất cả.

{keywords}
Bà Phạm Phương Thảo

Cơ chế bao cấp và cuộc cải tạo công thương nghiệp đã làm sản xuất bị đình đốn. Hoạt động xuất nhập khẩu bị ngưng hẳn. Sản xuất và phân phối lưu thông bên trong bị ngăn sông cấm chợ khiến cho kinh tế đi thụt lùi. Rồi phong trào hợp tác xã khiến cho sản xuất nông nghiệp của thành phố sa sút nghiêm trọng.

Sài Gòn hoa lệ phồn vinh một thời rơi vào tình trạng chưa bao giờ gặp phải, người dân phải ăn độn khoai sắn, ăn bo bo.

Ông Đặng Văn Khoa: Năm 1976, tôi tình nguyện đi thanh niên xung phong. Đến năm 1980 tôi trở về làm công tác Đoàn ở quận 10, sau đó lập gia đình và đi học Đại học. Đó là thời điểm thành phố cực kỳ khó khăn.

Tôi đã chứng kiến cảnh xếp hàng dài dằng dặc để mua nửa kg thịt! Trong cơ quan có khi cãi nhau vì “miếng thịt này nhiều mỡ, miếng kia ít mỡ”. Tôi đi làm về nhìn vợ và 2 đứa con nheo nhóc, thiếu thốn đủ thứ mà lòng đau.

{keywords}
Ông Đặng Văn Khoa

Tôi là người yêu thích giảng dạy, nghiên cứu, hoạt động xã hội đã phải quyết định hoàn toàn trái ngược với con người mình: Nghỉ việc nhà nước để ra ngoài bươn chải làm đủ việc để nuôi vợ con dù chẳng biết gì về kinh doanh!

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Những ngày tháng tiếp theo đầy những biến cố. Những giờ phút thanh bình ngắn ngủi trôi qua nhanh chóng. Những cuộc chiến khác lại bắt đầu.

Cuộc chiến kinh tế đánh vào tầng lớp thương nhân giàu có diễn ra. Và cuộc chiến tranh bằng súng đạn bùng nổ ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Nền kinh tế vô cùng khó khăn, mọi thứ trở nên khan hiếm. Gia đình tôi dần dần quen với việc ăn độn, quen việc xếp hàng mua lương thực, mua nhu yếu phẩm. Cuộc sống ngày càng khó khăn. Đã xuất hiện những dòng người bỏ nước ra đi. Những người bạn, đồng nghiệp của tôi ngày một vắng dần…

Lạm phát cao, suy thoái, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ…

Được giải cứu nhờ lãnh đạo dám "vượt rào"

Nhà báo Duy Chiến: Thưa bà Phạm Phương Thảo, thành phố Hồ Chí Minh đã mày mò tìm lối thoát như thế nào trong “những đêm trước của Đổi mới” của thập niên 80 đó?

Bà Phạm Phương Thảo: Những khó khăn lúc hồi ấy dữ dội khốc liệt, chưa bao giờ người dân ở thành phố này gặp phải. Tuy nhiên, nhờ có “chất” cách mạng, lòng tin vào cách mạng, vào Bác Hồ, vào Đảng, vào Nhà nước còn rất lớn nên đã chịu đựng tìm cách vượt qua.

Thời điểm đó tôi đang làm công tác đoàn nên tôi hiểu rõ. Cần cái gì là có phong trào ngay. Dù phải ăn độn, bữa đói bữa no nhưng khí thế của quần chúng nhân dân rất mạnh mẽ.

Lúc đó, phẩm chất Cách mạng của nhiều vị lãnh đạo thành phố đã tỏa sáng. Họ là những người trong sáng, gắn bó với nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, phi thường, trăn trở tìm kiếm mọi cách để vượt qua, kể cả “xé rào”, “bung ra”… Lãnh đạo thành phố khuyến khích, mở đường và bảo vệ cho người dân làm những gì họ làm được như xuất khẩu hàng hóa qua các nước gần ta để có ngoại tệ… Những năm 80 đã có nhiều xí nghiệp trên địa bàn thành phố và của cả Trung ương đã bung ra làm ăn mạnh mẽ…

Nhà báo Duy Chiến: Lúc đó việc “xé rào”, “bung ra” như vậy có bị “thổi còi” hay cản trở gì không, trong bối cảnh chúng ta vẫn kiên định cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung?

Bà Phạm Phương Thảo: Các đoàn từ ngoài Trung ương vào kiểm tra liên tục. Nhờ lãnh đạo thành phố có bản lĩnh, “cứng cựa”, có trách nhiệm với nhân dân và vận mệnh của đất nước, “dám làm dám chịu” nên dần dần chúng tôi đã thuyết phục được chấp thuận cho “thử nghiệm” và  “mở cửa”….

Phải kể đến vai trò của đồng chí Võ Văn Kiệt, từng là Chủ tịch và Bí thư Thành ủy. Ông đã biết lắng nghe, biết nâng niu trân trọng những cách làm mới. Ông đã gặp những người giỏi, vỗ vai kêu gọi họ ở lại đóng góp cho đất nước đang lúc khó khăn và hứa với họ rằng sẽ cho đi đàng hoàng nếu họ vẫn quyết tâm. Cái tâm, cái tầm của ông đã thu hút được nhiều người tài giỏi đóng góp, hiến kế… Nhiều nhà lãnh đạo của thành phố lúc ấy biết trọng dụng người tài để tìm con đường vượt khó. 

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Tôi may mắn được nhiều lần làm việc với chú Sáu Dân khi chú ra trung ương làm phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng. Tôi cảm nhận ở ông có một cái gì đó thật khác biệt, thật đặc biệt. Ông đã cho tôi thấy ở ông tình cảm trân trọng chân thành hiếm có của một nhà lãnh đạo với bất cứ ai có đóng góp tri thức mang tính xây dựng, dù nhỏ nhoi và khiêm tốn thế nào. Ông cũng cho tôi thấy ông là nhà lãnh đạo sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng hành động vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. 

Tháng 10/1986, anh Hai Chí (Võ Trần Chí – Bí thư thành ủy) và anh Năm Nghị (Phạm Chánh Trực – Bí thư quận ủy Q.5) có đến trao đổi với chúng tôi về vấn đề giá – lương – tiền. Anh Hai Chí nói qua về tình hình kinh tế của thành phố và đề nghị chúng tôi góp ý tìm ra giải pháp nhằm khắc phục hậu quả khó khăn này.

Tôi có nói rằng đây là vấn đề vĩ mô nên không thể chỉ giải quyết chỉ trong phạm vi thành phố. Tuy nhiên, với tinh thần hăng say và trách nhiệm với đất nước, chúng tôi tích cực thảo luận, góp nhặt số liệu, phân tích đánh giá và đi đến thống nhất nhận định tình hình và giải pháp đề xuất.

“Điều thần kỳ”

Nhà báo Duy Chiến: Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn, ông từng viết “Đổi mới” và “Mở cửa” xuất hiện như một “phép lạ” khi nhìn lại kết quả “xé rào”, “bung ra”. Vì sao ông đã coi đó là một “phép lạ”?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Trở lại thời điểm đó, nhất là sau khi đổi tiền vào năm 1985, nền kinh tế suy sụp, đi xuống, lạm phát tăng cao tưởng như không kìm nổi. Đồng tiền sau một đêm bị mất giá. Tình hình rất xấu. Nhiều người bi quan. Nhắc lại như vậy để thấy rằng, trong bước đường cùng đó, xuất hiện sự Đổi mới, thay đổi cơ chế chính là phép màu để hóa giải những bế tắc, những trở ngại có tầm quan trọng như thế nào.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trước khi được trung ương chấp thuận chính thức, trong bóng đêm đó đã tìm ra ánh sáng soi đường cho lối thoát. Đó là điều không hề dễ dàng. Tôi đã đánh giá như thế này, từ trong đêm tối, Đổi mới và mở cửa đã thắp lên ánh lửa hy vọng về một bình minh của một dân tộc là vì thế.

Nhà báo Duy Chiến: Sự lắng nghe của lãnh đạo thành phố và trung ương lúc ấy như thế nào?

Ông Huỳnh Bửu Sơn: Khoảng gần tết năm 1986, anh Phạm Chánh Dưỡng thông báo với chúng tôi là ông Võ Văn Kiệt, phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng lúc ấy sẽ mời chúng tôi ra Hà Nội để trình bày đề tài về các giải pháp vượt qua khủng hoảng.

{keywords}
Ông Huỳnh Bửu Sơn

Tưởng chỉ làm việc với vài chuyên viên cùng ông Kiệt, hóa ra, ở hội trường có đến hơn 20 người đều là những quan chức cao cấp đang chờ nghe chúng tôi. Ông Võ Văn Kiệt đã triệu tập nhiều thành phần của hội đồng bộ trưởng tới nghe một vấn đề “không dễ nghe” do một nhóm chuyên viên “quèn” không tên tuổi ở một địa phương trình bày. Chuyện chưa từng có.

Ông Kiệt đề nghị chúng tôi mạnh dạn nói thẳng.

Đề tài chúng tôi trình bày có nhiều điểm trái ngược với cách đánh giá chính thức lúc ấy. Thông thường các vị lãnh đạo thận trọng sẽ không muốn, kể cả không dám cho chúng tôi trình bày một vấn đề “nhạy cảm” còn nhiều tranh cãi như vậy trước cử tọa là các viên chức chính trị quan trọng. Các giải pháp chúng tôi đưa ra được các vị ấy trao đổi và nhận được sự đồng tình.

Trước khi đoàn về lại Sài Gòn, ông Kiệt đã cho biết, đề xuất giải tỏa các trạm kiểm soát hàng hóa “ngăn sông cấm chợ” của chúng tôi đã được thực hiện.  Trên đường xuôi về Nam bằng đường bộ, chúng tôi đã không còn thấy trạm kiểm soát nào như lúc chúng tôi ra Bắc.

Rõ ràng, ông Kiệt đã nhận thức được vai trò đột phá của hệ thống ngân hàng trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và đã chỉ đạo cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng vào năm 1989. Nhờ vậy nước ta đã vượt qua cơn khủng hoảng tiền tệ để có thể chuyển mình tiến lên trong những năm đầu Đổi mới với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục…  

Có thể chúng ta chưa đáp ứng hoàn toàn những ước mơ, những kỳ vọng. Nhưng, những gì có được cũng đã rất cơ bản. Một đất nước thanh bình và đang trên đà phát triển, một cuộc sống mà hôm nay tốt đẹp hơn hôm qua… Những điều đó nếu so với hoàn cảnh tuyệt vọng trong những năm cuối thập niên 70, thực sự là những thay đổi kỳ diệu, vượt khỏi sự tưởng tượng lạc quan nhất của nhiều người, trong đó có tôi!  

Nhà báo Duy Chiến: Thưa bà Phạm Phương Thảo, bà chia sẻ thế nào về thành công “vượt qua chính mình” của thành phố trong những thời điểm khó khăn hồi đó?

Bà Phạm Phương Thảo: Lãnh đạo thành phố đã biết phát huy vai trò của người dân trong công cuộc tìm kiếm lối ra và Đổi mới.

Điều đáng quý và đáng khâm phục là người dân thành phố không chấp nhận sự yếu kém, kém cỏi. Khi chủ trương không phù hợp, họ mày mò tìm cách “bung ra”, “xé rào”. Còn khi có chủ trương phù hợp, họ mau chóng nhập cuộc, thành sức mạnh. Chính đây là môi trường cho các nhà lãnh đạo giỏi phát huy tài năng.

(Còn nữa)

Tuần Việt Nam

>> Xem tiếp Kỳ 3: 'Chúng ta cũng phải nói thẳng nói thật với nhau'