Buôn Đôn là huyện biên giới của tỉnh Đắk Lắk, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 47%. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên đời sống còn nhiều khó khăn. Đầu năm 2024, huyện còn 29,98% hộ nghèo (tương đương hơn 5.100 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 14,03% (tương đương 2.486 hộ).

Năm 2024, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, huyện Buôn Đôn tiếp tục hỗ trợ các mô hình sinh kế theo nhu cầu của người nghèo. Trong đó, nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được tranh thủ tối đa, song song với huy động nguồn lực từ các chương trình MTQG khác và sự chung tay ủng hộ của cộng đồng.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đầu năm 2024, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn được hỗ trợ gần 500 triệu đồng để triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Tổng cộng có 11 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo và 2 hộ mới thoát nghèo tham gia vào nhóm cộng đồng để cùng chia sẻ, hỗ trợ về cách chăm sóc 32 con bò hiệu quả (mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò). 

Tại xã Ea Wer, 14 hộ nghèo và cận nghèo cũng được hỗ trợ 28 con bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương đã giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để góp phần giảm nghèo bền vững.

W-nong-thon-moi-ng-hue-25-3.jpg
Diện mạo các bản làng ở Tây Nguyên ngày càng đổi mới, khởi sắc nhờ các chương trình giảm nghèo hiệu quả.

Tại huyện Buôn Đôn, thông tin rà soát, phân loại hộ nghèo, nguyên nhân nghèo, nhu cầu, nguyện vọng hỗ trợ là dữ liệu quan trọng để địa phương có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đáng nói, việc lựa chọn vật nuôi, cây trồng được thực hiện trên cơ sở đề xuất của các hộ nghèo, cận nghèo; sát với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán chăn nuôi của địa phương cũng như của các gia đình, nhằm tối ưu giá trị nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Đào tạo nghề chăn nuôi đang thu hút nhiều lao động nông thôn

Là huyện thuần nông, thu nhập của các hộ dân tại Buôn Đôn phụ thuộc vào nghề nông nghiệp. Đào tạo nghề chăn nuôi đang thu hút nhiều lao động nông thôn tại đây. Thực tế, có kiến thức từ các lớp đào tạo, bà con thuận lợi hơn trong ứng dụng vào thực tế để việc chăn nuôi được an toàn, phát huy hiệu quả.

Từ ngày 20/9 đến 21/11, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Buôn Đôn phối hợp với UBND xã Ea Wer tổ chức đào tạo nghề chăn nuôi trâu, bò cho 35 học viên là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên tham gia theo học, lớp học được tổ chức theo thời gian linh hoạt, có thể vào cả buổi tối hay ngày cuối tuần.

Chị H'Hạ Hra ở buôn Tul A là một trong 35 học viên. Để không lỡ các buổi học, chị cố gắng thu xếp công việc nhà. Ở lớp học này, chị được chia sẻ các kiến thức, kỹ năng cơ bản như kỹ thuật xây dựng chuồng trại; chọn giống chăn nuôi; lập khẩu phần ăn cho trâu, bò; chăm sóc nuôi dưỡng bò thịt, bò sinh sản; kỹ thuật phòng và trị bệnh thường gặp cho trâu, bò… Có kiến thức rồi, chị còn truyền đạt lại cho người thân, gia đình...

Là hộ nghèo ở xã, gia đình chị H'Dun H'ra ở buôn Tul B vừa được tặng cặp bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Vui mừng vì được tặng sinh kế quý, gia đình có thêm hướng làm ăn, chị càng thể quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng cách theo lớp học nghề chăn nuôi trâu, bò của xã.

Việc được học nghề đã giúp chị có thêm kiến thức để chăn nuôi trâu, bò hiệu quả. Chị nói, nhờ học, chị mới biết bấy lâu nay gia đình chăm vật nuôi chưa đúng cách.

Bò sinh sản và bò lấy thịt không chỉ cần ăn cỏ mà còn phải bổ sung thêm dinh dưỡng để bảo đảm trọng lượng; cách phối trộn thức ăn của từng giai đoạn vật nuôi cũng khác nhau. Bò cũng cần được giữ gìn vệ sinh, tiêm phòng dịch đầy đủ, nhận biết dấu hiệu của bệnh…

Không những được học lý thuyết, 35 học viên được giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Buôn Đôn tổ chức tham quan thực tế và thực hành cách phối trộn thức ăn cho trâu, bò. Các nội dung học tập nhằm tạo điều kiện cho học viên tiếp cận những quy trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để vận dụng vào việc chăn nuôi trâu, bò tại gia đình có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Buôn Đôn thông tin, từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp tổ chức 9 lớp đào tạo nghề chăn nuôi, may công nghiệp, xây dựng cho hơn 300 lao động nông thôn ở các xã Ea Nuôl, Ea Wer, Krông Na, Cuôr Knia và Ea Bar.

Các ngành nghề đào tạo phù hợp với tình hình phát triển của từng xã, qua đó góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Hiện Phòng LĐ-TB&XH huyện tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ bà con vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.