Đó là kết quả từ báo cáo của Ban quản lý đường sách TP.HCM sau một năm hoạt động.
Đường sách TP.HCM được xây dựng trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 9/1/2016.
Ngay từ khi thành lập, nơi đây được đánh giá là không gian văn hóa nổi bật của thành phố. Đường sách trở thành không gian tri thức, nơi ươm mầm, lan tỏa thói quen, tình yêu với sách, là điểm hẹn, nơi thư giãn của người thành phố và du khách nước ngoài.
Đường sách thu hút hơn 1,5 triệu người đến tham quan và mua sắm trong năm 2016. Ảnh: Tùng Tin.
Hai bên đường sách TP.HCM được bao phủ bởi hàng me xanh. Trong đó gồm 19 gian hàng sách, 2 quán cà phê sách, khu sách cũ giữa lòng đường và 2 ki-ốt bán các vật phẩm văn hóa trên lề đường Bưu điện Thành phố.
Trong báo cáo một năm hoạt động, ban quản lý cho biết doanh thu đường sách đạt con số ấn tượng - gần 27 tỷ đồng với 500.000 bản sách được bán, thu hút hơn 1,5 triệu lượt người tới tham quan, mua sắm.
Với ý nghĩa và thành tựu đạt được, đường sách được UBND TP.HCM đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật và tiểu biểu của thành phố trong năm 2016.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam nhận định: "Các đơn vị xuất bản góp mặt trong đường sách không chỉ được quảng bá thương hiệu, xây dựng thương hiệu tốt hơn mà còn kinh doanh có lợi nhuận. Ở đường sách mục tiêu về lợi nhuận kinh tế và xây dựng không gian văn hóa hài hòa, không đối ngược".
Đường sách thu hút sự quan tâm của độc giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Tùng Tin.
Ông khẳng định: "Đường sách được khởi xướng và hình thành từ tình yêu dành cho sách, từ tấm lòng vì sự phát triển dân trí, vì một đô thị học tập, vì chất lượng sống của người dân thành phố. Chính sự gặp nhau giữa chủ trương của Đảng và nguyện vọng của nhân dân, sự đồng thuận và đồng lòng ấy giúp đường sách nhanh chóng được thực thi và hoạt động tốt", ông nhấn mạnh.
Theo Zing