Sau khi Nigeria trở thành quốc gia mới nhất tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc về virus Ebola vào hôm qua, Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau khi bệnh dịch này khiến gần 1000 người thiệt mạng.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Các quốc gia tây Phi trong tâm dịch Ebola. |
Kênh Channel News Asia của Singapore cho hay, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã yêu cầu giải ngân khẩn cấp 11,67 triệu USD để gây quỹ nhằm ngăn chặn bên dịch vì đây là quốc gia đông dân nhất châu Phi nhiễm dịch Ebola. Hiện ở nước này có 9 người nhiễm virus, hai người đã thiệt mạng.
WHO đã kêu gọi các viện trợ quốc tế cho các quốc gia nhiễm bệnh, đồng thời kêu gọi kiểm tra tất cả những người vừa bay ra khỏi vùng có dịch ở tây Phi. Tổ chức này cũng kêu gọi hạn chế đi lại trên toàn cầu, hối thúc các hãng hàng không có các biện pháp phòng ngừa cẩn trọng.
WHO cũng kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu chuẩn bị sẵn sàng để ‘phát hiện, điều tra và kiểm soát’ dịch Ebola nếu như virus này bùng phát.
Tổng giám đốc WHO là Margaret Chan đã kêu gọi sự giúp đỡ đối với những quốc gia bị ‘cơn bùng phát bệnh dịch lớn nhất, nghiêm trọng nhất và cũng phức tạp nhất trong vòng gần bốn thập kỷ qua’ tác động.
“Tôi tuyên bố bùng phát dịch hiện nay đang là một tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu” – Tiến sĩ Chan nói, đồng thời cảnh báo về ‘một tính chất bùng phát dịch nghiêm trọng nhưng bất thường, và khả năng lây lan thêm trên khắp thế giới’.
Trong khi đó, tại các quốc gia bị nạn dịch hoành hành như Guinea, Liberia, Sierra Leone, tình trạng khẩn cấp đã được ban hành. Quốc gia tiếp theo phải ban tình trạng khẩn cấp là Nigeria. Bờ biển Nga cho biết họ ban bố mức báo động ‘rất cao’, còn Benin thì đang điều tra một bệnh nhân nghi nhiễm Ebola.
Còn tại châu Âu, Tây Ban Nha đang điều trị cho một linh mục có tiếp xúc với bệnh khi giúp đỡ các bệnh nhân ở Liberia.
Một số tờ báo đưa tin Philippines có trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên, nhưng thông tin này hiện vẫn chưa xác nhận được.
Nạn dịch bùng phát vì thiếu kinh nghiệm
Còn theo hãng tin AP, khi dịch Ebola tấn công vào Uganda hai năm trước – cũng là lần bùng phát thứ ba trong vòng 12 năm, Tổng thống Uganda đã mau chóng lên truyền hình và hối thúc người dân tránh tiếp xúc với nhau.
Các quan chức y tế đã nhanh chóng cách ly mọi người. Sự phản ứng mau lẹ của các nhà chức trách và người dân đã giúp kiềm chế dịch lan rộng, và chỉ có 17 người thiệt mạng.
Trong vòng nhiều thập kỷ qua, virus Ebola đã tấn công 10 quốc gia châu Phi, trong đó có Congo – nơi mà trường hợp đầu tiên được xác nhận năm 1976. Nhưng chỉ tới năm nay thì Ebola mới lan tới tây Phi.
Khi có người bắt đầu mất mạng vì Ebola hồi tháng Ba và leo thang thành tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu vào hôm qua, các quốc gia và những người dân nói chung thậm chí còn không hề biết rằng họ đang phải đối mặt với cái gì, và phản ứng ra sao, khiến cho virus lan rộng và ngoài tầm kiểm soát.
Khoảng năm tháng trước, sâu trong các khu rừng rậm ở nam Guiena, mọi người bắt đầu bị một dịch sốt cao, đau nhức cơ thể, tiêu chảy và nôn mửa, đây là một số triệu chứng ban đầu khi nhiễm virus. Một số người bị chảy máu trong và ngoài cơ thể.
Ngay cả khi người bệnh chết, những người thân trong gia đình tiếp xúc và lau rửa thi thể người thiệt mạng mà không biết rằng việc lau dọn những bãi nôn, tiêu chảy và quần áo bẩn là rất nguy hiểm, vì virus lây lan thông qua đường tiếp xúc với dịch do cơ thể người bệnh tiết ra.
Nhiều gia đình tin rằng thủ phạm là bệnh sốt rét. Khi nhiều người bị nặng hơn, các gia đình tìm cách đưa người nhà đi chữa trị khắp nơi. Do tiếp xúc và đi lại tự do nên bệnh càng lúc càng lan rộng.
“Phải rất lâu sau họ mới nhận ra đó là Ebola” – một nhà dịch tễ học của chính phủ Uganda là Francis Adatu nói. “Có một sự chậm trễ trong việc tập trung nghiên cứu và để biết xem dịch bệnh Ebola là gì”.
“Nếu bạn tiếp xúc với Ebola và rồi đi lại tự do giữa các ngôi làng, thì đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng” – ông Adatu nói thêm.
Hồi năm 2012, nạn dịch bùng phát ở Uganda được khống chế ngay trong vòng vài tuần, còn tại tây Phi, nạn dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 1000 người ở Guinea, Liberia, Sierra Leone, và Nigeria.
So với con số chỉ có 17 người thiệt mạng ở Uganda hai năm trước đó, thì rõ ràng với các nước tây Phi lần này, họ đã không học được nhiều từ bài học của Uganda.
Lê Thu